Nguồn: vcmedia.vn |
Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý, hỗ trợ thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông do Bộ Giao thông – Vận tải tổ chức vừa qua, tình trạng hàng chục nghìn xe trong diện bị đình chỉ lưu thông do không có đăng ký, không được kiểm định và không có giấy phép lấy tiếp tục được đưa ra. Các xe tự chế, chưa được kiểm định chất lượng nên người sử dụng hoàn toàn dựa vào may rủi khi mua loại phương tiện này. Thực tế, do trang thiết bị, kỹ thuật lắp đặt chưa chuyên nghiệp nên khó có thể bảo đảm cho việc giữ an toàn với người sử dụng, cộng với ý thức của người điều hành phương tiện chưa cao nên đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra.
Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2008, cả nước có tới 55.000 xe công nông tự chế và hàng trăm nghìn xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh cần loại bỏ. Trong 5 năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ hơn 860 tỷ đồng cho việc thay thế các loại phương tiện này. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nhân dân thay thế phương tiện theo chỉ đạo của Chính phủ (từ năm 2008 đến năm 2010) mới chỉ thực hiện cho hơn 6.000 xe. Số lượng xe chưa được thay thế còn lại rất lớn (hơn 9.000 chiếc), chưa kể số xe do người dân tự chế phát sinh từ năm 2008 đến nay.
Vì sao lại như vậy? Chánh thanh tra Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Bình Định Trần Văn Ơi nêu thực tế: hiện nay mới sử dụng biện pháp xử phạt, thu hồi xe tự chế, xe quá niên hạn, mà chưa tháo gỡ được vướng mắc lớn nhất là các đối tượng sử dụng không có đủ kinh phí để thực hiện chuyển đổi loại xe. Tương tự như tại Bình Định, trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk hiện có gần 3.000 xe công nông và xe tải quá niên hạn sử dụng, song chỉ có 352 xe được hỗ trợ chuyển đổi. Nhiều xe đã bị đình chỉ tham gia giao thông nhưng vẫn tiếp tục vi phạm để phục vụ mục đích vận chuyển, chăm sóc cây trồng. Những loại xe này vẫn tồn tại do hầu hết các loại xe tải nhẹ để thay thế chưa thật hợp lý. Các loại phương tiện này chỉ đáp ứng tốt hơn về mặt an toàn giao thông, còn tính cơ động và tiện dụng chưa cao.
Hiện tượng sử dụng xe bị đình chỉ tham gia giao thông hiện vẫn khá phổ biến ở nhiều địa phương trong đó có thủ đô Hà Nội. Lý giải tình trạng này, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông – Vận tải Khuất Việt Hùng cho rằng, một phần do một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, một phần do số lượng lớn phương tiện là xe công nông thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi, nhưng không đầy đủ hoặc không có thủ tục hồ sơ dẫn đến không chuyển đổi được.
Từ thực tế triển khai chủ trương thay thế xe tự chế, nhiều địa phương kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho người học lái máy kéo nhỏ để lấy giấy phép lái xe hạng A4. Do đối tượng này đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống bằng nghề nông, kinh tế khó khăn, nên cần có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua sắm phương tiện mới. Mặt khác, cần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các phương tiện thay thế. Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông – Vận tải đã đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phải hoàn thành bổ sung quy định sản xuất, sử dụng xe mô-tô ba bánh, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trước ngày 1.4.2014, phấn đấu đến năm 2020, cả nước sẽ không còn những phương tiện tự chế; đồng thời, sớm ban hành quy định về đăng kiểm, tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc đăng kiểm các loại xe thay thế. Bộ quy chuẩn này sẽ vận dụng các tiêu chí, quy định trong khung ở mức thấp nhất để có thể phù hợp điều kiện thực tế, nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chí cơ bản, tiến tới chuẩn hóa các loại phương tiện thay thế.