Tác giả LÊ HỒNG HẠNH, đại diện nhóm tác giả loạt bài: "THƯỢNG PHƯƠNG BẢO KIẾM" NÀO CHO HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT QUYỀN LỰC, Báo Đại biểu Nhân dân: Để kiến nghị giám sát không còn “vô hồn” trên những trang A4
Giám sát là một trong hai chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân (HĐND) - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần quan trọng kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri, Nhân dân. Dù đã có những bước tiến dài, những “quả ngọt” từ nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp nhưng so với kỳ vọng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 vẫn chưa cụ thể hóa các quy định về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, đặc biệt là chưa có chế tài đủ mạnh - một “Thượng phương bảo kiếm” đủ sắc bén, dẫn đến có những trường hợp đoàn giám sát phát hiện vi phạm cùng những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cơ quan, công dân… mới chỉ dừng lại ở yêu cầu hoặc kiến nghị. Đây chính là “điểm nghẽn” từ chế tài dẫn đến có những kiến nghị xuyên nhiệm kỳ của các địa phương chậm được giải quyết, những tiếc nuối, giá như… Đây cũng chính là nội dung hầu hết các địa phương kiến nghị, mong chờ qua nhiều nhiệm kỳ.
Vậy, những chế tài đủ mạnh đó cần được cụ thể như thế nào để thực sự phát huy vai trò hoạt động giám sát quyền lực?
Đi tìm lời giải cho câu hỏi, trăn trở trên, đóng góp thêm những gợi ý giải pháp cho việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, nhóm tác giả đã thu thập thông tin, xâm nhập thực tiễn, khảo sát thực tế, tham vấn ý kiến của HĐND nhiều địa phương, đặc biệt là qua các vị đại biểu HĐND chuyên trách, gặp gỡ, chia sẻ với các vị cử tri… Vì vậy, tuyến bài đã đề xuất được những gợi ý quan trọng về các chế tài cụ thể đủ mạnh - “Thượng phương bảo kiếm” đối với việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua giám sát của HĐND.
Đặc biệt, cùng với trao cho chế tài giám sát đủ mạnh, tuyến bài cũng đặt ra vấn đề phải bảo đảm cơ cấu tổ chức của HĐND những đại biểu đủ năng lực, bản lĩnh và có vị thế chính trị, nhất là những “đầu tàu” thì mới “song kiếm hợp bích” được. Để kiến nghị giám sát không còn “vô hồn” trên những trang A4, thực sự phát huy vai trò giám sát quyền lực, vì niềm tin của cử tri, Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh đi sâu tìm gợi ý giải pháp cho kiến nghị, mong chờ của các địa phương về việc cụ thể hóa chế tài bảo đảm việc thực thi các kiến nghị sau giám sát, điểm độc đáo là tuyến bài được phối hợp thực hiện bởi các phóng viên, biên tập viên Ban Công tác Hội đồng nhân dân và Phóng viên thường trú, Báo Đại biểu Nhân dân với một số đại biểu cơ quan dân cử địa phương - những người trong cuộc am hiểu, tâm huyết, đau đáu với hoạt động của cơ quan dân cử - giống như một cuộc tham vấn ý kiến đặc biệt để đề xuất được những giải pháp khả thi nhất bảo đảm hiệu quả hoạt động giám sát quyền lực ở địa phương.
Nhà báo Phạm Thị Thảo, đại diện nhóm tác giả tác phẩm: SÁNG KIẾN LẬP PHÁP VÌ QUYỀN NGƯỜI CHUYỂN GIỚI, Truyền hình Quốc hội Việt Nam: Trao quyền, hỗ trợ đại biểu hiện thực hóa sáng kiến lập pháp
Năm 2015, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thông qua với Điều 37 quy định về quyền chuyển giới của cá nhân. Dấu mốc này đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên công nhận quyền của người chuyển giới. Tuy nhiên, suốt hơn 8 năm chờ đợi, cộng đồng người chuyển giới đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi quyền của họ vẫn chưa được luật hóa, đồng nghĩa với việc họ đang tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản về xã hội, y khoa và pháp lý.
Trăn trở trước mong mỏi của người chuyển giới, sau thời gian nghiên cứu, lập hồ sơ và cầu thị tiếp thu chỉnh lý, ngày 12.5.2023, tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã trình đề nghị xây dựng Dự án Luật Chuyển đổi giới tính và đã được thành viên tham dự thống nhất trình Quốc hội, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đây được coi là một bước tiến mới trong luật pháp Việt Nam khi quan tâm đến quyền lợi của một nhóm cộng đồng nửa triệu người.
Việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là cần thiết trong xã hội hiện nay. Để làm rõ nội dung này, nhóm phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã thực hiện phim tài liệu “Sáng kiến lập pháp vì quyền người chuyển giới”. Với góc nhìn khách quan, tôn trọng thực tiễn cuộc sống, phim tài liệu vừa cho thấy những tâm sự, mong mỏi thầm kín của cộng đồng người chuyển giới trên hành trình tìm lại chính mình; vừa nhìn lại quá trình xây dựng Dự án Luật Chuyển đổi giới tính với tâm huyết, phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Qua đó, cũng thấy được đổi mới của Quốc hội khi trao quyền và hỗ trợ đại biểu trong quá trình hiện thực hóa sáng kiến lập pháp.
Nhà báo Phạm Thị Kim Thanh, đại diện nhóm tác giả loạt bài: TẦM NHÌN VÀ DẤU ẤN LẬP PHÁP KIẾN TẠO CỦA QUỐC HỘI, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân
Đại hội XIII của Đảng giao cho cơ quan lập pháp và các cơ quan hữu quan nhiệm vụ: “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững". Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Để cụ thể hóa những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Quốc hội đã và đang có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp, nhằm tạo hành lang pháp lý cho đổi mới cơ chế quản lý, cơ cấu lại nền kinh tế. Kết quả, tính từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Năm (tháng 6.2023), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản. Đằng sau con số ấn tượng trên là sự chủ động, nỗ lực rất lớn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan... với những câu chuyện lần đầu tiên, chưa từng có tiền lệ. Và ấn tượng trên hết là một Quốc hội không ngừng đổi mới, ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, linh hoạt, bám sát hơi thở của cuộc sống, vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện loạt bài “Tầm nhìn và dấu ấn lập pháp kiến tạo của Quốc hội” để nhìn nhận, đánh giá công tác lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV. Loạt bài đã phản ánh những sáng kiến, đề xuất đổi mới hoạt động lập pháp với những dấu ấn chưa từng có tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội nhằm khơi thông “điểm nghẽn”, kiến tạo sự phát triển. Các bài viết thu hút được sự quan tâm của độc giả với lượng truy cập lớn.
Nhà báo Uông Thu Huyền, đại diện nhóm tác giả loạt bài: TĂNG PHÂN CẤP, TRAO NIỀM TIN, Đài Tiếng nói Việt Nam: Khơi thông “điểm nghẽn” các chương trình mục tiêu quốc gia
Năm 2023, trong các chuyến công tác tại một số địa phương, nhóm phóng viên Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận thấy thực trạng phổ biến trong thực tế triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” tại các vùng miền trên cả nước. Đó là tình trạng có tiền nhưng không giải ngân được do vướng mắc (có khi chỉ là một từ) trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi có địa phương thừa tiền nhưng hết đối tượng thụ hưởng thì lại có những nơi, chương trình, dự án đành phải “nằm im” vì “khát” vốn. Có nơi về đích thì lại mang nỗi lo gánh nặng nợ nần. Có địa phương chủ động, sáng tạo lại canh cánh nỗi sợ “vượt rào”.
Vướng mắc, bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong khi từng ngày, người dân vùng được thụ hưởng lợi ích vẫn mong chờ những chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước sớm thấm sâu vào cuộc sống, đến nhanh hơn với mình.
Loạt bài “Tăng phân cấp, trao niềm tin” được thực hiện bởi lý do này và ngay tại thời điểm Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV cho ý kiến, thông qua Nghị quyết giám sát tối cao việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. “Tăng phân cấp, trao niềm tin” được kỳ vọng sẽ khơi thông được “điểm nghẽn”, rút ngắn con đường về đích của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.
Nhà báo Vũ Quang Cảnh, đại diện nhóm tác giả loạt bài: HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG ĐỔI MỚI, GẦN DÂN, THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ, Báo Bảo vệ pháp luật: Biểu hiện sinh động nhất “hơi thở cuộc sống” được đặt lên bàn nghị sự
“Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp này, kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay. Thông qua các kỳ họp Quốc hội, nhất là hoạt động chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp chính là một trong những biểu hiện rõ nét nhất, sinh động nhất “hơi thở cuộc sống” được đặt lên bàn nghị sự cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.
Đây là chủ đề xuyên suốt Báo Bảo vệ pháp luật thể hiện trong 3 kỳ báo, với mong muốn đi tìm lịch sử - sự khởi đầu hoạt động chất vấn của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp - một hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, được đổi mới qua từng kỳ họp của các nhiệm kỳ Quốc hội. Đặc biệt là dấu ấn đậm nét tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV vừa diễn ra thành công, tốt đẹp vào cuối tháng 11.2023 vừa qua. Theo đó, chúng tôi tập trung phân tích, chọn lọc những phần chất vấn và trả lời chất vấn tiêu biểu; điểm lại những đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với các hoạt động của Quốc hội; phỏng vấn nhiều chuyên gia, nhà khoa học… Tất cả nhằm khẳng định sự đúng đắn như lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nói: “Với sức mạnh tổng hợp to lớn đó, chúng ta tin tưởng rằng, Quốc hội Việt Nam Khóa XV sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó”!
Nhà báo Phạm Trường Sơn, đại diện nhóm tác giả loạt bài: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, Báo Nhân dân: Nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo và tăng cường hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của HĐND có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng đi vào hiệu quả, thực chất, bám sát thực tiễn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đã trở thành “cẩm nang” thực sự hữu ích, giúp hoạt động giám sát của HĐND được chuẩn hóa, chủ động, tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, sự quyết liệt, chuyên nghiệp, hiệu quả từ các chương trình giám sát của Quốc hội cũng đã lan tỏa, tạo động lực hướng dẫn hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, để từ đó phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Bên cạnh nhiều kết quả quan trọng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đòi hỏi phải có giải pháp thiết thực để tháo gỡ.
Loạt bài: “Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân” nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giám sát của HĐND kể từ sau khi Nghị quyết 594 được ban hành. Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, HĐND về những giải pháp tiếp tục tháo gỡ bất cập, vướng mắc nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.