Hiệu quả từ các công trình nghiên cứu
Theo Báo cáo của Sở KHCN tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020 - 2023, ngoài các nhiệm vụ KHCN chuyển tiếp từ trước năm 2020, trên cơ sở 531 phiếu đề xuất nhiệm vụ KHCN của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Sở KHCN đã tham mưu cho Hội đồng KHCN tỉnh lựa chọn, trình và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục 179 nhiệm vụ KHCN. Theo Giám đốc Sở KHCN Trần Duy Bình, nhiều nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình, Đề tài “Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nước mắm truyền thống tại Thanh Hóa”, do Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn chủ trì. Nhờ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đã giúp rút ngắn thời gian chế biến nước mắm còn khoảng 9 tháng (thay vì phương pháp sản xuất truyền thống thường kéo dài từ 15 - 18 tháng). Đồng thời, tiết kiệm diện tích sản xuất; giảm gần 90% công khuấy đảo và phơi nắng; lượng nước mắm cốt thu được nhiều hơn 30% so với phương pháp truyền thống; nước mắm có độ đạm cao hơn 3% so với sản phẩm có cùng nguyên liệu đầu vào. Hiệu quả kinh tế tăng xấp xỉ 1,3 lần so với kỹ thuật sản xuất nước mắm truyền thống.
Hay như nhiệm vụ KHCN “Khôi phục, phát triển nghề trồng và chế biến dong riềng truyền thống theo chuỗi giá trị tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa”, do Hội LHPN tỉnh chủ trì cũng đang mang lại kết quả tích cực, như: tuyển chọn được giống dong riềng DR3-10; xây dựng mô hình thâm canh dong riềng, quy trình chế biến và mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh. Đặc biệt, nhiệm vụ này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với lãi thuần từ cây dong riềng đạt trung bình 62,25 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực miền núi Thanh Hóa.
Ngoài các nhiệm vụ, đề tài KHCN tiêu biểu nêu trên, báo cáo của Sở KHCN tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hàng loạt nhiệm vụ, đề tài đã được nghiên cứu và đang được đưa vào ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như: đã chọn tạo, phục tráng, tuyển chọn được một số giống lúa, giống mía, giống ngô, giống đậu tương có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh phục vụ sản xuất ngành nông nghiệp; đã nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật tim hở, kỹ thuật ghép giác mạc, kỹ thuật ghép thận… để khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Thu hẹp khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn
Dù đạt được nhiều thành tựu trong ứng dụng các nhiệm vụ, đề tài KHCN, song tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII, nhiều đại biểu đã chỉ rõ khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Trong đó, nổi bật là vấn đề vẫn còn không ít đề tài, đề án, dự án nghiên cứu KHCN sau khi đánh giá, nghiệm thu không áp dụng vào thực tiễn, nếu có áp dụng thì hiệu quả không cao. Do đó, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, Sở KHCN cần tham mưu các giải pháp cụ thể nhằm “thu hẹp khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn” trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN, để KHCN thực sự trở thành lực đẩy cho kinh tế - xã hội phát triển.
Giám đốc Sở KHCN Trần Duy Bình khẳng định: đặc điểm trong nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính trễ, độ rủi ro cao; triển khai công nghệ thì chu kỳ, vòng đời ngày càng ngắn, tính thương mại hóa cao trong khi thời gian thực hiện một nhiệm vụ KHCN theo quy định hiện nay từ 3 - 5 năm mới có kết quả. Do đó, thời điểm xác định nhiệm vụ KHCN để đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KHCN đang có tính mới, cấp thiết, nhưng khi kết thúc nhiệm vụ KHCN thì tính mới và cấp thiết giảm nhiều. Vì vậy, Sở KHCN gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ, nhất là kiểm tra thực tiễn.
Từ những thành quả và cả những khó khăn, bất cập nêu trên, việc tiếp tục đánh giá và lựa chọn các nhiệm vụ KHCN mới đang đặt ra thách thức đối với các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn. Các nhiệm vụ KHCN được lựa chọn phải đáp ứng tính cấp thiết, tính mới, tính tiên tiến và khả thi với kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị thực chất, phục vụ sản xuất và đời sống. Trước yêu cầu đó, trong dự thảo Thông báo đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, bắt đầu thực hiện từ năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt ra nhiệm vụ định hướng nghiên cứu KHCN cụ thể cho từng lĩnh vực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tiếp tục quan tâm ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác quản lý, khai thác đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm sản... Hay trong lĩnh vực công thương, chú trọng ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; tự động hóa trong sản xuất, vận hành, bảo dưỡng; thiết kế, chế tạo máy móc và thiết bị công nghiệp…
Bản chất của nghiên cứu khoa học là tìm cái mới, có tính thử nghiệm và không chắc chắn, có thể thành công hoặc không thành công. Do đó, đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác. Với quan điểm đó, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung giải quyết các vấn đề thực tiễn, cấp thiết tại ngành, lĩnh vực, địa phương để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KHCN. Sở KHCN tham mưu cho Hội đồng KHCN tỉnh nâng cao chất lượng xét duyệt và triển khai các nhiệm vụ KHCN, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.