Thời gian qua, du lịch Thái Nguyên bước đầu hình thành một số loại hình sản phẩm du lịch độc đáo, thân thiện với môi trường, hấp dẫn khách du lịch, công tác quy hoạch, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch từng bước được đầu tư.
Tuy vậy, đóng góp của du lịch trong GDRP còn thấp; sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, thiếu dịch vụ du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cao cấp, nhất là các khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, sân golf, dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao để thu hút khách du lịch; nguồn nhân lực du lịch, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng với xu thế phát triển chung.
Tỉnh Thái Nguyên chưa thu hút được những dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đầu tư khai thác tiềm năng khu du lịch vùng hồ Núi Cốc; chưa có nhà đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ cao cấp.
Giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 10%/năm, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm. Theo đó, sẽ công nhận ít nhất 5 điểm du lịch cấp tỉnh, thu hút đầu tư 5.200 phòng lưu trú du lịch đạt chuẩn, tạo việc làm cho 16.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 7.000 người, 50% số lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thái Nguyên chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn gắn với văn hóa trà. Nổi bật nhất là Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, điểm du lịch cộng đồng tại xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) và xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai).
Tại các huyện, thành phố có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương đã tập trung các nguồn lực để xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới như: bản Tèn, xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ); xã La Bằng và xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ); xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình (huyện Định Hóa); điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, tại xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (thành phố Sông Công)...