TS. TRẦN HỮU HIỆP, chuyên gia kinh tế:
Bức tranh tổng thể là sự phục hồi
Bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm nay cho thấy sự phục hồi, tăng trưởng khá nhanh. Trong đó, nổi lên 3 mảng sáng:
Một là, về du lịch. Việc mở cửa du lịch từ ngày 15.3 bước đầu tạo ra thành công. Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 190.000 lượt, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, sự tăng trưởng không chỉ về lượng khách mà đã tạo tác động lan tỏa, cộng hưởng với các ngành giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, sinh kế của người dân.
Hai là, sự tăng trưởng của xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đạt 242,19 tỷ USD; xuất siêu 2,53 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, hàng hóa của Việt Nam đã mở rộng sang những thị trường khó tính như Mỹ, EU… Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,7 tỷ USD.
Ba là, mảng sáng về số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường, cùng với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ trong tháng 4 số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với trên 15.000 doanh nghiệp. Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước cho thấy niềm tin của thị trường đã được cải thiện.
Dù vậy bảo đảm mục tiêu tăng trưởng vẫn là thách thức không nhỏ. Tôi cho rằng, Việt Nam cần quan tâm tới 2 vấn đề có tác động lớn đến việc thực hiện các mục tiêu.
Thứ nhất, độ trễ của việc thực hiện chính sách. Minh chứng là với giải ngân đầu tư công, dù Chính phủ đã rất nỗ lực song 4 tháng chỉ đạt đạt hơn 18,4%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Nếu không khắc phục được điều này, dù chính sách có tốt đến đâu cũng khó đạt kết quả như mong muốn.
Thứ hai, năng lực tổ chức thực thi, phối hợp của bộ máy vẫn còn hạn chế. Cần thúc đẩy việc quy trách nhiệm cho mỗi cấp ngành, trách nhiệm phối hợp chiều ngang - dọc, để khắc phục được những hạn chế hiện nay. Khi giải quyết được hai bài toán này, việc cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng cho cả năm là khả thi.
TS. LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Việt Nam:
Hai thách thức cần lưu tâm
Ba tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP của nước ta đạt 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Dù chưa đạt mục tiêu đề ra song vẫn là con số rất ấn tượng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Đáng chú ý, trong tháng 4, bất chấp tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên, nguyên vật liệu toàn cầu tăng cao, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ở các nhóm ngành như nông, lâm thủy sản, công nghiệp; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 4 đạt hơn 242 tỷ USD, tăng 16,1%... Điều này cho thấy sức chống chọi của nền kinh tế đã được nâng cao. Nếu tiếp tục có biện pháp tốt thì sẽ đạt được kịch bản tăng trưởng tương đối tích cực cho cả năm.
Xét mục tiêu tăng trưởng cả năm nay vào khoảng 6 - 6,5%, thì với việc GDP quý I tăng trưởng mới hơn 5% cho thấy, thách thức phía trước vẫn rất lớn. Trong đó, có 2 thách thức cần lưu tâm.
Thứ nhất, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bắt đầu tác động trực tiếp tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá nguyên nhiên vật liệu. Cuộc xung đột sẽ đẩy lạm phát tăng ở các nền kinh tế lớn vốn là đối tác xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Các nền kinh tế này đang cân nhắc việc nâng lãi suất, tức “hy sinh” tăng trưởng trong ngắn hạn, thậm chí một vài năm để kiềm chế lạm phát. Khi các nền kinh tế này giảm tốc có thể ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam buộc chúng ta phải tính đến.
Thứ hai, Trung Quốc vẫn tiếp tục siết chặt phòng chống dịch Covid-19. Điều này một mặt ảnh hưởng nguồn cung nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất ở Việt Nam, khi phong tỏa kéo dài; mặt khác là Trung Quốc có thể giảm tốc độ tăng trưởng do dịch bệnh và cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, vẫn có những cơ hội cho Việt Nam khi có sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc hoặc từ những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Vấn đề là, chúng ta phải đủ tỉnh táo để xác định các cơ hội của mình, chứng minh rằng Việt Nam là điểm đến an toàn cho các dòng vốn đầu tư này.
Cùng với đó, Việt Nam cần phải dựa nhiều hơn vào nội lực, thông qua phát triển thị trường trong nước, tăng sức tiêu dùng trong nước, đặc biệt của người dân và doanh nghiệp. Điều này không chỉ có ý nghĩa cho riêng năm nay mà cho sự tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn. Nếu cải thiện thu nhập khả dụng của người dân, cải thiện năng lực của doanh nghiệp thì sẽ giúp thị trường trong nước mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, cần duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là phải chú ý nguy cơ tiềm ẩn lạm phát để giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững.
TS. LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:
Cần bảo đảm cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn
GDP quý I tăng hơn 5% so với cùng kỳ là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế đang duy trì đà phục hồi từ cuối năm 2021. Trong đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng xuất nhập khẩu, ổn định kinh tế. Bốn tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này đạt khoảng 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, bảo đảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ góp phần cụ thể hóa mục tiêu đề ra cho cả năm. Rà soát những vấn đề cần hỗ trợ đối với ngành nông nghiệp là rất cần thiết, như cần giảm lãi suất, hoặc kéo dài thời gian trả nợ cho người nông dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh giá đầu vào tăng cao.
Nền kinh tế có tăng trưởng ổn định, bền vững cần dựa vào doanh nghiệp. Muốn vậy, phải bảo đảm cho doanh nghiệp có môi trường thông thoáng, tức là cần tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật. Đặc biệt, cần bảo đảm việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, việc siết phát hành trái phiếu doanh nghiệp do một số doanh nghiệp sai phạm đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do vậy, chính sách cần bảo đảm doanh nghiệp làm sai phải bị xử lý, đồng thời phải khơi thông nguồn vốn cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, qua đó đóng góp vào tăng trưởng.