Không phải ở giai đoạn này, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã chi phối, làm biến đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội mà ngay từ những ngày đầu tiên sau khi thống nhất đất nước, khoa học và công nghệ đã được Đảng ta xác định là “cuộc cách mạng”, và đến nay, là “quốc sách hàng đầu”. Tuy vậy, sau gần 50 năm được xác định là “cuộc cách mạng”, lĩnh vực khoa học công nghệ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện... Chính vì thế, ngay khi được ban hành, Nghị quyết số 57 đã làm "nức lòng" không chỉ giới trí thức, nhà khoa học mà là toàn xã hội, thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động”.
“Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn” - thông điệp mạnh mẽ, quyết liệt của người đứng đầu Đảng ta đồng thời cũng chứa đựng cả khát vọng và quyết tâm hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để tạo nên sự phát triển đột phá của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Và để vững bước trên “con đường sống còn” ấy, “thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước”. Trọng trách hoàn thiện thể chế, trên hết và trước hết thuộc về Quốc hội và Chính phủ. Chính vì vậy, ngay sau khi có Nghị quyết số 57, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã triển khai ngay các nhiệm vụ của mình.
Qua rà soát hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cho thấy, có 4 Luật liên quan trực tiếp gồm: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ; ngoài ra có 12 luật, 42 nghị định, 131 thông tư khác có liên quan. Hệ thống pháp luật về chuyển đổi số có 8 luật liên quan trực tiếp và nhiều văn bản luật khác liên quan; 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Quốc hội đã thông qua 8 Luật liên quan đến nội dung này. Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết được Quốc hội thông qua trong năm 2024 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn, trong đó, đã quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động nghiên cứu sản xuất sản phẩm, dịch vụ, các loại hình kinh doanh mới...
Trên cơ sở Chính phủ trình và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua các dự án Luật trong 6 lĩnh vực trọng tâm. Về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số: hoàn thiện 8 Luật. Về đầu tư và tài chính: rà soát, hoàn thiện 12 Luật. Về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: rà soát, sửa đổi, hoàn thiện 11 Luật. Về doanh nghiệp, thương mại: rà soát, hoàn thiện 3 Luật. Về bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, môi trường số: rà soát hoàn thiện 3 Luật. Về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo: hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh xây dựng, vận hành Quốc hội số, Chính phủ số, Chính quyền số...
Ngay trong năm 2025, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế cũng hết sức nặng nề với việc phải xây dựng 27 luật, 19 nghị định để thể chế hóa Nghị quyết số 57 và ban hành sớm văn bản hướng dẫn để quy định mới sớm đi vào thực tiễn. Như yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm, “càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, với hơn 100 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 16 nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, có thể coi là "rất mới" như: phát triển ngành công nghiệp Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật; đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; hình thành hạ tầng lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xanh; xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn, hình thành ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Việt Nam…
Đó không chỉ là khối lượng công việc vô cùng lớn, nhiều khó khăn và rất phức tạp - thậm chí ngay cả với những nước phát triển - mà hơn hết đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội, trước hết là các cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị định phải thống nhất nhận thức về nhiệm vụ “đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh”; phải thực sự “cởi trói tư duy”, đổi mới cách nghĩ, cách làm ngay từ việc rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ, xóa bỏ...
“Con đường sống còn” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại Hội nghị sáng qua cũng là con đường xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Với sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả như vừa qua, chắc chắn, Chính phủ, Quốc hội sẽ hoàn thành sớm nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất "điều kiện tiên quyết" để đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ý kiến bạn đọc