Các cấp, các ngành quyết liệt vào cuộc
- Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được Đảng, Nhà nước triển khai quyết liệt để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và điều hành quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại. Theo dõi quá trình triển khai thực hiện chủ trương này trong mấy tháng qua, bà đánh giá như thế nào?
- Trước tiên, cần nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan là bộ máy nhà nước của chúng ta còn đang quá cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, một việc, một lĩnh vực nhưng lại do nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian sẽ hoạt động kém hiệu quả và tạo sức cản lớn cho người dân và doanh nghiệp. Điều đó cũng tạo thành lực cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
Mặt khác, một số liệu được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến nhiều lần là do bộ máy cồng kềnh nên ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, cũng như để chăm lo cho quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội… Do vậy, hiện nay là thời điểm chín muồi, thời cơ và là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thời gian qua, tôi nhận thấy, chúng ta có một quyết tâm cao trong thực hiện tinh gọn bộ máy. Công cuộc này được thực hiện đồng bộ từ Đảng, chính quyền, Trung ương đến địa phương. Cách thức thực hiện là làm ngay, Trung ương làm trước, địa phương làm sau, khẩn trương nhưng vẫn thận trọng trong thực hiện công tác cán bộ. Có sự thống nhất, đồng lòng trong thực hiện, tinh thần chỉ “bàn làm, không bàn lùi”, “nếu không làm sẽ có lỗi với Nhân dân, với đất nước”. Đây là động lực quan trọng giúp chúng ta tạo ra một bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
- Để thực hiện tinh gọn bộ máy, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó không ít người là cán bộ chủ chốt ở địa phương đã tình nguyện xin thôi công tác khi vẫn còn tuổi làm việc. Điều này cho thấy, chủ trương tinh gọn bộ máy có sự đồng thuận rất cao, thưa bà?
- Đúng vậy. Trong những ngày qua, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những đồng chí giữ chức vụ lãnh đạo địa phương đã gương mẫu tự nguyện nghỉ hưu sớm, thậm chí có những người nghỉ hưu trước nhiều năm, để tạo thuận lợi cho việc tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cũng như tạo điều kiện cho những người trẻ tuổi hơn có cơ hội phát triển. Các cán bộ, đảng viên này sẵn sàng hi sinh cả lợi ích vật chất lẫn lợi ích chính trị của bản thân để đạt được hiệu quả chung cho tổ chức, cho bộ máy, cho đất nước. Đây là điều chúng ta phải rất trân trọng!
Việc nhiều cán bộ, đảng viên xin nghỉ hưu sớm cũng có thể do công tác tuyên truyền đã được thực hiện tốt trong thời gian qua. Chủ trương sắp xếp các cơ quan, đơn vị đã được tuyên truyền sâu rộng đến đảng viên và quần chúng nhân dân. Do đó, người dân không còn đặt những câu hỏi như trước đây và rất trân trọng những cán bộ, đảng viên xin nghỉ hưu sớm vì họ đã vượt lên được tâm lý thông thường để góp phần thực hiện được mục đích cao cả hơn của toàn Đảng, toàn dân.
Hỗ trợ phát triển khu vực tư để tạo việc làm cho người lao động
- Các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng đã được ban hành. Theo bà, điều này có ý nghĩa như thế nào với quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy?
- Các chính sách, chế độ vừa được ban hành vừa qua một mặt thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong diện thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Mặt khác, các chính sách, chế độ này cũng sẽ giúp họ đỡ đi phần nào gánh nặng cơm áo khi nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc. Hầu hết những người lao động mà tôi đã tiếp xúc đều bày tỏ đồng lòng, nhất trí với chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Từ nguyện vọng chung của người lao động, tôi cho rằng, cùng với việc triển khai kịp thời các chính sách, chế độ cho người nghỉ hưu sớm, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến doanh nghiệp ở khu vực tư nhân. Bởi vì những người lao động không làm việc ở khu vực công sẽ phải dịch chuyển sang khu vực tư. Các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân có phát triển thì mới tạo ra việc làm và tạo điều kiện để người lao động tiếp tục cống hiến.
Từ sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét và quyết định nhiều chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở này, tôi mong muốn là trong thời gian tới tiếp tục có những chính sách trước mắt và dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa hay doanh nghiệp mới thành lập. Đây sẽ là nơi “chia lửa” cho khu vực công trong quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này.
- Bên cạnh những chính sách, chế độ đã ban hành, theo bà, cần có thêm giải pháp căn cơ nào để lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, hăng say cống hiến, tạo nên bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả?
- Để có bộ máy thực sự tinh gọn, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả thì phải làm tốt công tác đánh giá để chọn được những người có năng lực phù hợp cho mỗi vị trí công tác ở các cơ quan, đơn vị. Muốn vậy trong quá trình đánh giá cần chú trọng xem xét kết quả thực thi công việc theo vị trí việc làm, kể cả các tiêu chí mang tính định lượng và định tính. Ví dụ như số lượng các báo cáo đã hoàn thành, sản phẩm đã tạo ra, bài viết, công trình nghiên cứu, ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp… Đồng thời, khi đã trao quyền đánh giá cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì cũng cần thực hiện hệ thống các giải pháp liên quan để bảo đảm đánh giá khách quan, thực chất và công tâm.
Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách để tiếp tục thu hút người giỏi vào trong bộ máy nhà nước để tạo dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả. Ví dụ như sau khi tinh gọn bộ máy phải sớm triển khai ngay việc thực hiện cải cách tiền lương, xác định mức lương phù hợp với từng vị trí việc làm. Có như vậy mới có thể thu hút những người giỏi vào cơ quan nhà nước, thay vì thu hút những người tìm kiếm sự an toàn và an nhàn vào bộ máy.
Tôi cũng nhận thấy, chúng ta đã có phần khởi động tương đối tích cực, nên sau sắp xếp thì bộ máy cần sớm ổn định và đi vào hoạt động hiệu quả ngay. Nếu các cơ quan, cá nhân chần chừ, sau sắp xếp phải mất một khoảng thời gian dài để thích nghi thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội, chưa cho thấy rõ kết quả của quá trình này.
- Xin cảm ơn đại biểu!