“Vòng kim cô” thủ tục là một trong những lý do khiến Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chỉ giải ngân được một nửa so với số tiền trích lập. Cơ quan quản lý vừa muốn khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ nhưng mặt khác lại sợ rủi ro, sợ doanh nghiệp lạm dụng, chi sai, “trốn” nghĩa vụ đóng thuế. Vì vậy, các quy định được thiết kế theo hướng ưu tiên “kiểm soát rủi ro” bằng cách đặt ra rất nhiều thủ tục. Các thủ tục này đến lượt nó “trói chân” doanh nghiệp thay vì khuyến khích như ý định ban đầu. Quỹ chỉ có một phần ngân sách nhà nước nhưng lại bị áp đặt toàn bộ nguyên tắc quản lý ngân sách. Việc mua sắm các vật tư, thiết bị… phải theo thủ tục đấu thầu của dự án đầu tư - vừa phức tạp, vừa tốn kém rất nhiều thời gian. Quy trình như vậy hoàn toàn không phù hợp với tính mới, tính hiếm, tính kịp thời, tính rủi ro cao của hoạt động khoa học, công nghệ.
Đất nước đang phát triển theo kinh tế thị trường, nhưng tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ vẫn theo lối tập trung, bao cấp, rườm rà. Cũng bởi những rào cản trong tư duy và trong hệ thống luật pháp như thế mà nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ nói chung lâu nay cũng bị tắc nghẽn, không thể giải ngân hết số ngân sách được giao - dù số này rất khiêm tốn so với các nước khác. Năm nào các nhà khoa học cũng “rất vất vả” mới tiêu hết khoản tiền đó, thậm chí là không hết. Tình trạng nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục… cũng đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tới trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào ngày 13.1 vừa qua.
Nút thắt này hy vọng sẽ sớm được tháo gỡ, khi những định hướng đột phá và sáng rõ nêu trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được cụ thể hóa trong thực tiễn. Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó, Nghị quyết 57 định hướng phải có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.
Những chủ trương này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng cụ thể hơn nữa trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Mấu chốt được nêu trong bài phát biểu, đó chính là quan điểm: xem đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua.
Cùng với đó, trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn, luật nào phải sửa thì sửa luôn, đồng bộ, thống nhất, tinh thần là thông thoáng, 1 nội dung chỉ quy định ở 1 luật. Cần có tư duy mới, cách tiếp cận trong sửa đổi Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Viên chức đồng bộ hóa các quy định pháp luật có liên quan. “Chúng ta khuyến khích người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đường hướng đã có, điểm nghẽn đã được xác định, quyết tâm chính trị là rất cao. Cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học đang chờ đợi những chủ trương đột phá, những tư duy mới được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách thông thoáng, đồng bộ và thực tiễn. Như vậy, khoa học, công nghệ mới thực sự trở thành động lực phát triển đất nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khơi thông tiềm năng vô tận của nguồn lực quốc gia.