Sự xuất hiện của dự án “tỷ đô” của Samsung Việt Nam một lần nữa xác thực rằng, mặc dù kết quả thu hút đầu tư nước ngoài chưa hoàn toàn đạt kỳ vọng về mặt con số nhưng dấu ấn chất lượng ngày càng rõ hơn khi các “đại gia” công nghệ lần lượt dốc vốn vào Việt Nam. Năm 2024, bên cạnh LG Display hai lần tăng vốn đầu tư thêm 2,35 tỷ USD thì Tập đoàn Amkor có dự án mở rộng nhà máy bán dẫn ở Bắc Ninh trị giá 1,07 tỷ USD; Foxconn tăng vốn với quy mô hơn 550 triệu USD ở Quảng Ninh; Tập đoàn Bosch tăng vốn thêm gần 107 triệu USD, trong khi Jabil tăng vốn thêm 150 triệu USD…
Và không thể không nhắc đến sự xuất hiện của NVIDIA, một tập đoàn đa quốc gia, chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) và công nghệ chipset cho các máy trạm, máy tính cá nhân, và các thiết bị di động, với cam kết phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA tại Việt Nam và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. NVIDIA cũng đã mua lại VinBrain, một công ty về AI của Vingroup, với mục tiêu phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn tại Việt Nam... Sự kiện này gây tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp công nghệ và các quốc gia trên thế giới, thậm chí báo chí Thái Lan còn "phê phán" Chính phủ vì đã không thể thu hút NVIDIA về nước mình.
Dấu ấn chất lượng của dòng vốn FDI sẽ càng rõ hơn trong năm 2025 khi thông tin cho biết, một số dự án bán dẫn khác, trong đó có dự án có quy mô hàng tỷ USD, sẽ được đầu tư vào Việt Nam thời gian tới. Có căn cứ để tin rằng, việc NVIDIA, tập đoàn hàng đầu thế giới về AI và bán dẫn đến Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm R&D về AI hàng đầu châu Á và hứa hẹn mang lại giá trị gia tăng cao hơn, thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành công nghệ mũi nhọn.
Không còn nghi ngờ, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ lớn nhờ vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, việc Nghị định số 182/2024/NĐ-CP về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư được ban hành vào ngày cuối cùng của năm 2024 và áp dụng từ năm tài chính năm 2024, sẽ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia ưu tiên phát triển của các "đại bàng”.
Khi thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu được áp dụng từ đầu năm 2024, những ưu đãi thuế hiện có, đặc biệt đối với các nhà đầu tư lớn, sẽ không còn hiệu quả như trước, khiến môi trường đầu tư kém hấp dẫn hơn. Chính vì vậy, sự ra đời của Nghị định 182 với các chính sách ưu đãi đột phá, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, sẽ là bước đi quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục thu hút và giữ chân các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Nhiều quốc gia khác đã áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mà họ muốn thu hút đầu tư, vì vậy Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này.
Bên cạnh lĩnh vực công nghệ cao, thời gian tới, Việt Nam vẫn cần thu hút đầu tư trong các lĩnh vực khác để duy trì tốc độ tăng trưởng và tạo việc làm, nhất là trong lĩnh vực kinh tế mới nổi khác. Trong khi đó, các chính sách miễn thuế, giảm thuế không còn tác dụng đối với các nhà đầu tư đến từ các tập đoàn nằm trong diện tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Chính vì vậy có hai việc quan trọng cần được Chính phủ dành ưu tiên trong lúc này, đó là: nghiên cứu để bãi bỏ chính sách miễn, giảm thuế hiện hành đối với các nhà đầu tư thuộc diện tác động của thuế tối thiểu toàn cầu; tiến hành rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và tập trung nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác phù hợp hơn. Có thêm các chính sách cạnh tranh và hấp dẫn, dòng đầu tư chất lượng cao chắc chắn sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, đưa nền kinh tế vượt lên trong kỷ nguyên mới.