Đây là một trong những nội dung được ông Trần Minh Sơn, Phó Bí thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh cho biết tại Hội nghị trao đổi tình hình quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên của tỉnh Tây Ninh giữa Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh và đoàn nghiên cứu thực tế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Lớp cao cấp chính trị K73B22 (Từ ngày 26.10-29.10).
Nâng cao thực hành giữa lý luận và thực tiễn
Tại Hội nghị, đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Trưởng đoàn công tác cho biết: "Chương trình nghiên cứu thực tế về tình hình quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên của tỉnh Tây Ninh được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí minh thông qua nhằm giúp cho các học viên lớp cao cấp lý luận chính trị K73B22 được nghiên cứu, thực hành giữa lý luận và thực tiễn.
Chương trình thực tế này, giúp các học viên có cách nhìn sâu hơn vai trò chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, qua các văn bản quy phạm pháp luật, cách tuyên truyền giáo dục, cách phối hợp với các đơn vị liên quan, cách đánh giá điểm mạnh, hạn chế để từ đó thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên của đất nước nói chung và cách thức thực hiện các công tác quản lý nhà nước khác nói riêng".
Tại Hội nghị, ông Trần Minh Sơn, Phó Bí thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Tây Ninh đã có báo cáo về tình hình quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và giải đáp các vấn đề được các học viên nêu ra.
Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng
Ông Trần Minh Sơn cho biết, một trong những mặt mạnh trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đó là công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản dưới luật được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức phong phú khác nhau; Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý khoáng sản ngày càng hoàn thiện, hiệu quả.
Trong công tác điều tra cơ bản địa chất, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 26/12/2018. Theo đó, tổng số khu vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh có 185 khu vực khoáng sản, trong đó: 3 khu vực đá xây dựng, 39 khu vực cát xây dựng, 9 khu vực khoáng sản đất sét làm gạch ngói, 126 khu vực vật liệu san lấp, 5 khu vực khoáng sản than bùn, 3 khu vực khoáng sản cuội sỏi.
Các mỏ khoáng sản khi được cấp phép khai thác đều được thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm cơ sở cho việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và tính toán được giá trị mỏ, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tạo nguồn thu cho tỉnh; Đều có dự án đầu tư, thiết kế mỏ hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật có ý kiến thẩm định cơ quan chuyên môn, phê duyệt theo thẩm quyền; đều phải thực hiện cam kết, kế hoạch bảo vệ môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án khai thác các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định.
Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương và trách nghiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, phục hồi môi trường, đảm bảo an toàn lao động, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định và hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; Các phương tiện thông tin đại chúng là kênh cung cấp thông tin rất quan trọng đến người dân về những hạn chế, yếu kém, vi phạm của tổ chức, cá nhân để người dân giám sát việc thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, từ đó góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản…
Ông Trần Minh Sơn cũng cho biết, từ năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố hằng năm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu UBND tỉnh ban hành 08 Quyết định, 16 Công văn, 01 Quy chế, 01 kế hoạch để triển khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ, quản lý khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh…
Cũng trong chương trình nghiên cứu thực tế, đại diện Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Lớp cao cấp lý luận chính trị K73B22 đã trao tặng 50 suất học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, trị giá 50 triệu đồng.
Đại diện Tỉnh Đoàn Tây Ninh tiếp nhận các suất học bổng và bày tỏ lời cảm ơn tới Học viện chính trị quốc gia HCM, lớp CCLLCT K73B22. Hy vọng các phần học bổng sẽ giúp các em học sinh có thêm động lực để vượt qua khó khăn, học tập thật tốt để trở thành những người công dân có ích cho xã hội.