Bước đầu hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI. Theo thống kê từ các địa phương trong tỉnh, với lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 45 mô hình tiêu biểu về ứng dụng công nghệ cao, vượt chỉ tiêu về số lượng so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều có hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình sản xuất thông thường từ 2 - 3 lần. Cụ thể, sầu riêng có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 706ha, thu lợi nhuận cao từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Về lĩnh vực thủy sản, đến nay toàn tỉnh có 77 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao tại H. Nhơn Trạch, H. Long Thành với tổng diện tích gần 156ha, cho lợi nhuận khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha/năm.
Huyện Cẩm Mỹ là địa phương tích cực triển khai quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao cũng như trong thu hút đầu tư. Theo báo cáo của UBND H. Cẩm Mỹ, đến nay địa phương đã quy hoạch 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao với quy mô hơn 5 nghìn ha. Hiện nay, Công ty CP Đầu tư Golf Long Thành (TP. Biên Hòa) đã đề xuất báo cáo chủ trương đầu tư vào vùng nông nghiệp công nghệ cao gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh để thẩm định. Về cơ sở hạ tầng giao thông, điện sản xuất cho các vùng nông nghiệp công nghệ cao này đã được đảm bảo. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với địa phương, doanh nghiệp rà soát xây dựng phương án cấp nước từ các công trình thuỷ lợi để phục vụ các vùng sản xuất trên.
Cùng với đó, trong chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đồng Nai cũng đề ra những mục tiêu tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có 500ha cây ăn trái đạt chứng nhận hữu cơ; 630ha diện tích cây công nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ; 200ha rau đạt chứng nhận hữu cơ; có sản phẩm chăn nuôi hữu cơ như: heo, bò, gia cầm… Diện tích và sản lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt chứng nhận hữu cơ tiếp tục tăng lên, có loại đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi vào năm 2030. Qua khảo sát, lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích các chỉ tiêu, toàn tỉnh có 99 vùng có đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp hữu cơ với diện tích trên 3,1 nghìn ha.
Tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, giảm các loại cây có giá trị kinh tế thấp được thực hiện theo đúng định hướng; phát triển các loại vật nuôi chủ lực như heo, gà theo hướng chăn nuôi trang trại; diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục được mở rộng và chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tập trung nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với các loài có giá trị kinh tế cao…
Đã hình thành vùng chuyên canh với những cây nông nghiệp mang lại sản lượng và giá trị kinh tế cao với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển một số mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng trái cây đặc sản VietGAP, GlobalGAP như bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu); vùng chôm chôm VietGAP (xã Bình Lộc, TP. Long Khánh); vùng sầu riêng VietGAP (huyện Long Thành)…
Phát triển nông nghiệp hữu cơ
Thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ như: Chính sách về hỗ trợ sản xuất an toàn; Ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về phát triển nông nghiệp hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình khuyến nông 5 năm…
Theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Trần Lâm Sinh, hiện tỉnh có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai lồng ghép thông qua một số chính sách đã được ban hành. Kết quả bước đầu, toàn tỉnh đã có 7ha trồng hồ tiêu, rau đạt chứng nhận hữu cơ; đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô gần 1,5 nghìn ha cây trồng và gần 24 nghìn vật nuôi…Dự kiến cuối năm 2023, toàn tỉnh có thêm hơn 22ha cây trồng đạt chứng nhận hữu cơ.
Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây là hướng đi phù hợp được nông dân tích cực tham gia vì là giải pháp giảm chi phí sản xuất khi các loại phân, thuốc hóa học tăng giá gấp nhiều lần so với trước. Nông dân cũng ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp sản xuất để ra sản phẩm an toàn, chi phí rẻ có thể ứng dụng đại trà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi thông tin, hiện đã đủ cơ sở pháp lý để xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ gồm Nghị quyết của Chính phủ đã có hướng dẫn triển khai, về phía tỉnh đã có chủ trương đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, yêu cầu Sở NN - PTNT xác định cụ thể những loại cây, con làm mô hình hữu cơ; rà soát xây dựng bao nhiêu vùng nông nghiệp hữu cơ sẽ làm trong từng giai đoạn.
Cốt lõi cho sự thành công phát triển sản xuất hữu cơ là thu hút được nhà đầu tư có năng lực, đầu tư bài bản, xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ vì làm ra mà không có thị trường thì mô hình thiếu bền vững. Chính sách hỗ trợ phải thiết thực với mục tiêu sản xuất hữu cơ phải đạt mức thu nhập tốt, tạo động lực nhân rộng mô hình.