Ngày 23.11, tại TP. Cần Thơ, Trung tâm khuyến nông Quốc gia và Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, có 12/13 tỉnh ĐBSCL đang thực hiện Đề án phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án), trừ Bến Tre do diện tích không còn.
Hiện có 7 mô hình tại 5 tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh đại diện cho các vùng thượng, hạ, giữa ĐBSCL. Trong đó, Kiên Giang có 2 mô hình là lúa và lúa tôm với tổng diện tích khoảng 200.000ha.
Ngoài ra, Kiên Giang còn triển khai bài bản 12 mô hình lúa phát thải thấp và xây dựng 116 tổ khuyến nông cộng đồng. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến các hợp tác xã (HTX) và nông dân, giúp họ hiểu rõ mục tiêu và lợi ích của đề án.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang còn cho rằng, dựa trên tình hình thực tế của từng HTX và từng vùng sinh thái, Kiên Giang xác định diện tích phù hợp để tham gia đề án.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cho rằng, đây được coi là hướng đi tích cực. Sự vào cuộc tích cực, hăng hái của bà con nông dân, sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền đang cho thấy nhiều tín hiệu tốt.
Trong tương lai, nhiệm vụ của Đề án vẫn là nhân rộng mô hình theo hướng chuỗi giá trị, cơ sở dữ liệu sinh thái, phát triển công nghệ, thay đổi hành vi, tăng cường năng lực.
“Mục tiêu là rút tỉa được gì từ những mô hình do Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, địa phương đã triển khai. Nhiệm vụ của Cục là tổng kết những mô hình đã có kết quả tốt”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè khẳng định, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL là chương trình lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến ngành lúa gạo được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế.
Do đó, TP. Cần Thơ xác định đây là Đề án có quy mô lớn, cần bắt tay vào thực hiện ngay. Đến nay, Cần Thơ và một số địa phương ĐBSCL quan tâm đến các vấn đề trọng tâm, như: công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở, như khuyến nông viên, nông dân, HTX nằm trong vùng Đề án; xây dựng, nhân rộng các mô hình nằm trong phạm vi của Đề án; đầu tư nguồn lực vào cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, điện, nước, môi trường... Trọng tâm tiếp theo là xây dựng liên kết chuỗi giá trị giữa HTX và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè còn nhấn mạnh, vấn đề quan trọng trong để góp phần thực hiện Đề án thành công là nguồn vốn hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp để bao tiêu cho các sản phẩm nằm trong vùng dự án.