Giúp phát triển làng nghề truyền thống
Có dịp về xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai - xã có nghề truyền thống đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng những ngày này, không khí lao động sản xuất nhộn nhịp và hối hả hơn bao giờ. Những năm qua, thợ làng nghề đã chế tác được hàng trăm sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ độc đáo, trong đó có các sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Những sản phẩm này không chỉ góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, mà còn nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Theo Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng làng mộc Ngọc Than, nghệ nhân Đỗ Đình Thường: người Ngọc Than làm quen với nghề từ rất sớm. Ở tuổi 11 - 12, các cháu vừa đi học, vừa phụ giúp gia đình đánh giấy ráp hoàn thiện sản phẩm. Sau vài năm học nghề, đến tuổi 18 - 20, các cháu đã có thể tự mình chế tác được những sản phẩm chất lượng, có độ tinh xảo cao, như: Hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng… Nhiều cháu có tay nghề cao đã tách ra mở xưởng sản xuất, xây dựng thương hiệu cho riêng mình".
Nghệ nhân Đỗ Bá Nghĩa cũng cho biết, thôn Ngọc Than hiện có hơn 1.700 hộ dân, thì có đến 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp, mộc dân dụng. Các cơ sở sản xuất đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động và nhiều lao động thời vụ ở địa phương, với mức thu nhập từ 300.000 - 700.000 đồng/người/ngày công. Những năm gần đây, nhờ công nghệ và máy móc hỗ trợ, thợ làng nghề Ngọc Than còn chế tác được nhiều sản phẩm cao cấp có độ tinh xảo cao. Nhờ đó, các sản phẩm thờ cúng, trang trí, như: hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng; những bức tranh khắc gỗ theo các điển tích xưa với nhiều kích cỡ được người dùng khắp nơi tìm về Ngọc Than đặt hàng, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giúp người dân trong làng nghề mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế, thời gian gần đây, các cơ sở sản xuất trong làng nghề truyền thống đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng Ngọc Than cũng chú trọng xây dựng thương hiệu bằng cách tham gia Chương trình OCOP, xây dựng các trang web quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại… Điển hình, trong 2 năm (2022 - 2023), Hội Làng nghề Ngọc Than đã chọn 2 cơ sở sản xuất đồ mộc cao cấp đưa 5 sản phẩm dự thi OCOP của thành phố và đều được đánh giá, phân hạng "4 sao" là: “Tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay”, “Đôi bình hoa sen gỗ mít”, “Tranh vinh quy bái tổ”, “Bộ đài nến bằng gỗ gụ”, “Bộ hoành phi câu đối”. Kết quả này đã tạo uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề vươn xa.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Khải cho biết: Việc làng nghề truyền thống đục chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng ngày càng phát triển đã đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho địa phương, giúp đời sống của người dân được nâng cao. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để xã Ngọc Mỹ huy động triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tuy nhiên, để làng nghề phát triển ổn định, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Quang Khải mong muốn thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Ngọc Mỹ - Thạch Thán để di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề và sản xuất tập trung. Cùng với đó, huyện Quốc Oai chỉ đạo các phòng, ban hỗ trợ các chủ thể trong làng nghề Ngọc Than hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP; tiếp tục hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nhằm đem lại giá trị kinh tế và thu nhập ổn định cho người dân.
Quy hoạch các vùng chuyên canh, phát triển nông sản chủ lực
Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Thị Thu Trang cho biết: Sau gần 5 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn huyện đã có 176 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 - 4 sao. Tiêu biểu là các sản phẩm thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm (xã Cấn Hữu); trứng gà tươi của Hợp tác xã Nông sản thực phẩm Thành An (xã Cộng Hòa); sản phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Hoàng Doãn Sơn (xã Tân Phú), miến dong Trường Hải làng So (xã Cộng Hòa)...
Toàn huyện Quốc Oai có 17 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống. Hiện có 14 làng nghề và 3 làng nghề truyền thống với 176 sản phẩm được công nhận OCOP. Huyện Quốc Oai hiện có 22 nghệ nhân từ các làng nghề đã được Nhà nước phong tặng, trong đó có 1 Nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước trao tặng và 21 Nghệ nhân do thành phố công nhận. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi được vinh danh. Tiêu biểu là 3 làng gồm: Nghề mộc Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ; làng nghề mộc truyền thống thôn Yên Quán, xã Tân Phú; làng nghề mộc dân dụng và chế biến lâm sản Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống các năm 2011, 2015.
Các sản phẩm OCOP của huyện đã phát huy được giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thay đổi tư duy sản xuất của các chủ thể tham gia chương trình. Các hộ nông dân đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, theo hướng an toàn, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Kết quả thực hiện Chương trình OCOP đã đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Để có được kết quả trên, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng khai thác lợi thế của từng địa phương trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung định hướng phát triển nông sản chủ lực, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Bên cạnh đó, phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới thành phố hỗ trợ 100% kinh phí kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm cho các cơ sở có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Hỗ trợ, tổ chức cho các chủ thể có sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP trên địa bàn huyện tham gia triển lãm bán hàng tại các hội chợ...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phạm Quang Tuấn cho biết thêm: Huyện Quốc Oai hiện có tổng số 14 làng nghề và 3 làng nghề truyền thống với 176 sản phẩm được công nhận OCOP. Việc duy trì, phát huy, xây dựng các làng nghề, làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP tại huyện Quốc Oai đã được các cấp, ban, ngành của Thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Mới đây, huyện phối hợp cùng các sở, ngành của thành phố tổ chức triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Quốc Oai năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện quảng bá, giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, làng nghề trên địa bàn; đồng thời là dịp quảng bá, giới thiệu nét văn hóa của con người Quốc Oai, phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Sự kiện quan trọng này nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá, giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, làng nghề trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Quốc Oai.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)