Hội nghị có sự tham gia của Thường trực Hội đồng Dân tộc và hơn 70 ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là người dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số phần lớn tham gia lần đầu nên điều kiện tiếp cận, thu thập, trao đổi thông tin và kỹ năng vận động tranh cử, nhất là việc xây dựng chương trình hành động, vận động, thuyết phục, lôi cuốn cử tri, thuyết trình trước công chúng… chưa được đồng đều và có mặt còn hạn chế. Đây là rào cản không nhỏ hạn chế cơ hội đối với những ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội Khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới.
Với mục đích tạo điều kiện cho các ứng cử viên tiềm năng người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử, trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Thường trực Hội đồng Dân tộc mời các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong các cơ quan dân cử tham gia truyền đạt những kỹ năng và kiến thức cơ bản cho các đại biểu tham dự Hội nghị. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tin tưởng, Khóa tập huấn sẽ góp phần giúp cho các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số nắm được kiến thức và những kỹ năng cần thiết để tham gia vận động bầu cử mang lại kết quả tích cực, với tỷ lệ trúng cử cao nhất trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND sắp tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được tập huấn kỹ năng vận động bầu cử, tiếp xử cử tri, xây dựng hình ảnh trước công chúng của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND vùng dân tộc thiểu số và miền núi; những vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng chương trình hành động, các trình bày chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, việc xây dựng chương trình hành động nhằm phục vụ cho công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Các báo cáo viên cho biết, không có quy định cụ thể Chương trình hành động phải bao gồm những nội dung gì nhưng để có tính thuyết phục, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri thì Chương trình hành động cần rõ ràng, thiết thực, hiệu quả, khả thi. Chương trình không nên dài dòng, cần bám sát quy định của pháp luật về chức năng, thẩm quyền của người đại biểu, đưa ra những vấn đề bản thân có thể thực hiện được trong khả năng của mình trên cương vị là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Nội dung phải chuyển tải được những yêu cầu, những mong mỏi của cử tri nơi mình ứng cử. Đồng thời, gắn với những vấn đề nóng, bức xúc chung của cả nước cần phải được giải quyết.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt rõ tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống dân sinh ở địa phương nơi tiếp xúc có ý nghĩa quan trọng đối với các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử. Kiến thức, thông tin này giúp cho ứng viên xây dựng được chương trình hành động tốt, thể hiện trong nội dung bản thuyết trình tại các cuộc tiếp xúc cử tri, phỏng vấn trên truyền hình, bài viết trên báo chí cũng như các tình huống giải đáp các câu hỏi của cử tri đặt ra trong quá trình vận động bầu cử.