Cơ hội để tăng trưởng còn rất nhiều
- Kinh tế thế giới đang trải qua “cú hích” do đổi mới công nghệ tích cực diễn ra rất nhanh, cùng với quá trình tái cấu trúc của các nền kinh tế theo hướng phi carbon hóa... Bối cảnh đó tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?
- Có thể thấy, kinh tế thế giới đang trong giai đoạn chuyển dịch nhanh chóng và mạnh mẽ, đặc biệt là đang chịu sự dẫn dắt của những yếu tố mang tính cốt lõi. Một là, tiến bộ công nghệ với tốc độ nhanh chóng có thể tạo ra thay đổi đột phá về năng suất, cơ cấu, nhất là nhân lực sẽ có sự thay đổi. Hai là, sự thay đổi về năng lượng. Năng lượng là nguồn gốc và sự phát triển. Theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng quốc tế thì cơ cấu năng lượng năm 2023 đã có sự chuyển dịch rất mạnh, chuyển sang năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Thứ ba, sự dịch chuyển về thương mại và đầu tư toàn cầu, đặc biệt là thương mại điện tử cũng là một yếu tố quan trọng, cùng với đó là đầu tư xanh, đầu tư số và đầu tư thông minh. Thứ tư, sự thay đổi trong cấu trúc quyền lực toàn cầu, đặc biệt là có sự tranh giành giữa các quốc gia lớn, địa chính trị bất ổn. Tất cả những yếu tố đó sẽ tạo ra một cách nhìn nhận mới cho chúng ta.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, có những yếu tố vẫn chưa có thể thay đổi, đó là tính chu kỳ của nền kinh tế thế giới, cứ khoảng 10 năm là sẽ có một cuộc khủng hoảng. Chúng tôi nghiệm lại, năm 1997 có cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, năm 2008 là cuộc khủng hoảng kinh tế và suy giảm kinh tế toàn cầu, năm 2019 - 2020 là sự tụt giảm kinh tế do đại dịch Covid - 19. Theo tính chu kỳ đó, rất có thể đến năm 2029 - 2033 sẽ có khả năng có một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Do đó, bên cạnh những thành tố có tính cốt lõi của nền kinh tế thế giới thì tính chu kỳ cũng là một trong những yếu tố cần phải tính đến. Chúng ta không chủ quan và phải chủ động có những kịch bản ứng phó với cuộc khủng hoảng. Đó cũng có thể chính là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn là một nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp có thể chuyển hóa trở thành một trạng thái mới hoàn toàn. Nếu chúng ta nhìn nhận được cơ hội để bắt kịp được với làn sóng phát triển, nhìn thấy và tận dụng, khai thác những động lực mới của nền kinh tế thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển bứt phá.
Tôi cho rằng, tiềm năng nền kinh tế thế giới hiện nay rất lớn. Đến năm 2023, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng GDP toàn thế giới là 105.000 tỷ USD. Nếu tính tốc độ tăng trưởng trung bình vẫn giữ ở mức 3% - 3,2%/năm thì đến năm 2045, quy mô GDP thế giới sẽ là khoảng 180.000 - 200.000 tỷ USD.
Cơ hội để tăng trưởng còn rất nhiều, nhưng để bắt kịp được đà phát triển, tận dụng được cơ hội để khai thác và bứt phá thì trước tiên chúng ta phải thay đổi tư duy, có tầm nhìn mới.
- Đối chiếu với thực trạng của kinh tế Việt Nam hiện nay, ông có thể đánh giá cụ thể về những lợi thế cũng như các nguy cơ, rủi ro Việt Nam phải ứng phó trong thời gian tới?
-Tôi cho rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Trước tiên, lợi thế đó là dòng chảy kinh tế thế giới. Thứ hai là vị thế kinh tế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng. Thứ ba là các nguồn lực Việt Nam đang giai đoạn khai thác vẫn khá dồi dào, ví như nguồn nhân lực. Thứ tư, lợi thế về mặt chính sách ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, chúng ta đang giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, đột phá về chính sách. Lâu nay, một số chính sách của chúng ta còn lạc hậu, chậm thay đổi, nhưng hiện nay Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực linh hoạt, đổi mới và đồng bộ các chính sách, bắt kịp với xu thế của thế giới. Khi chính sách đã thay đổi và có khuôn khổ mới thì chắc chắn sẽ tạo ra sức phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn các rủi ro. Thứ nhất là rủi ro cạnh tranh. Nếu mình không chuẩn bị kỹ thì chắc chắn các đối tác, đối thủ cạnh tranh và các tập đoàn lớn sẽ chớp thời cơ và giành cơ hội trước. Khi đó, nếu mình muốn có được cơ hội đó thì chi phí sẽ lớn hơn. Thứ hai là rủi ro về tiến bộ công nghệ. Nếu không bắt kịp xu thế thì chúng ta sẽ tụt hậu. Đã tụt hậu thì không bao giờ có công nghệ lõi, công nghệ nguồn và thường xuyên là người đi thi công với giá rẻ, không thể có lao động giá trị cao. Thứ ba là rủi ro về cuộc đại phân công lao động, đặc biệt là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) và những tiến bộ mới. Khi nguồn lực con người của chúng ta không thích nghi, không chiếm lĩnh được vị trí trọng yếu thì chắc chắn sẽ bị đánh bật ra khỏi vòng quay của các chuỗi giá trị. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao. Tất cả những rủi ro đó luôn tiềm ẩn, đan xen với những cơ hội.
Tiếp tục chú trọng đổi mới về chính sách
- Có ý kiến cho rằng, Việt Nam chỉ có lợi thế về lao động giá rẻ, các ưu đãi về chính sách thuế, giá thuê mặt bằng. Vậy trong giai đoạn tới, các lợi thế bị mất đi cùng quá trình già hóa dân số thì chúng ta cần thay đổi như thế nào để thu hút đầu tư, khai thác được các chuỗi giá trị cao, tận dụng cơ hội để nền kinh tế bứt phá?
-Lâu nay chúng ta vẫn nói Việt Nam có lợi thế tĩnh là cho thuê đất đai giá rẻ, lao động giá rẻ, nguồn tài nguyên dồi dào, khai thác dễ dàng. Nhưng ngay bây giờ, chúng ta cần cách nhìn nhận mới là những lợi thế đó không còn mãi. Chúng ta chỉ còn lại bàn tay và khối óc. Nghĩa là chúng ta phải đổi mới sáng tạo. Chúng ta cần phải khởi nghiệp bằng một cách nhìn nhận mới dựa trên công nghệ và chúng ta cần chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế. Đặc biệt là phải tranh thủ bắt kịp được những tiến bộ mới.
Để làm được điều đó đòi hỏi chúng ta phải phát huy tối đa trí tuệ, khối óc của con người Việt. Cùng với đó là sự linh hoạt về chính sách kết hợp các phương thức sản xuất mới. Cùng với đó, cần thay đổi cách nhìn nhận của chính sách, cách nhìn nhận của doanh nghiệp, của từng con người, nhất là phải có đầu tư lớn hơn, tích lũy mạnh hơn và phải quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, thực chất hơn…
Tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn bộ người dân, chắc chắn Việt Nam sẽ thực hiện thành công những mục tiêu Đảng, Nhà nước đã đề ra.
- Trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế trong nước, cộng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để. Chúng ta cần chú trọng điều gì để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội nhằm bứt phá, thưa ông?
- Như chúng ta đã thấy, khoảng 15 năm gần đây chúng ta có sự thay đổi rất nhiều và quyết liệt về chính sách.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn sửa đổi pháp luật, định hình vững chắc các quy phạm pháp luật. Chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường là chưa có trong tiền lệ. Trong khi hiện nay lại có rất nhiều mô hình kinh tế mới là kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số chuyển đổi xanh và chúng ta vẫn đang trong giai đoạn cập nhật. Nếu chúng ta cập nhật tốt, chắc chắn môi trường kinh doanh chúng ta sẽ trở nên thông thoáng, phù hợp với xu hướng và sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, chứ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ mà còn giúp mở tầm nhìn cho doanh nghiệp.
Rõ ràng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững là một hướng đi đúng và chúng ta đã đạt được những thành công nhất định.
Tuy nhiên, để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong giai đoạn tới vẫn cần tiếp tục chú trọng đổi mới về mặt chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa tối đa các thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp. Có chính sách quy hoạch chiến lược, có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ cụ thể nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển, phát huy tiềm năng địa phương. Có cơ chế nâng cao năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt giúp họ tham gia mạnh mẽ vào các chuỗi giá trị toàn cầu có giá trị cao.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện chính sách và đặc biệt là tăng hiệu năng của bộ máy thực hiện. Có chính sách tốt nhưng cần có lực lượng thực thi tốt. Người thực thi thông minh, linh hoạt chắc chắn sẽ thu hút được nhiều đầu tư, khai thác được nhiều tiềm năng, tạo ra được những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thương hiệu mạnh...
- Xin cám ơn ông!