Nhiều chuyển biến tích cực
Làm việc với UBND tỉnh và một số địa phương về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu lao động, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận: toàn tỉnh đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ; nhất là cụ thể hóa quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương để triển khai ở cơ sở, góp phần hoàn thành mục tiêu, bảo đảm chất lượng và bền vững của chương trình.
Với sự quyết tâm và chung tay của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đến nay, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được nâng cấp, hoàn thiện; diện mạo nông thôn các địa phương khang trang, sạch đẹp hơn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; nhiều lao động nhàn rỗi, lao động trẻ được đào tạo nghề và tiếp cận với việc làm để tăng thêm thu nhập...
Đơn cử như tại huyện Châu Thành, theo đánh giá của Đoàn giám sát, tất cả các lĩnh vực liên quan đến các tiêu chí NTM đều có sự chuyển biến. Trong đó, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng lên đáng kể theo từng năm; vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Hiện, toàn huyện có 11/11 xã đạt tiêu chí về y tế, lao động, môi trường và an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 863 của UBND tỉnh.
Tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ: quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vẫn còn tồn tại những hạn chế. Trong đó, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả đạt được ở một số xã còn hạn chế; nhất là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội... Chất lượng công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Ngoài ra, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu, nội dung tiêu chí mới với yêu cầu rất cao, cần nhiều thời gian, lộ trình để đầu tư thực hiện.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân của những hạn chế trên có một phần xuất phát từ sự chưa thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa chưa được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.
Công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là khu vực dân cư không tập trung chưa tốt đẫn đến việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn khó khăn, tỷ lệ đạt thấp. Vẫn còn tình trạng người dân tự xử lý rác thải bằng các biện pháp đơn giản như đốt, vứt ra sông, rạch; ô nhiễm từ các cơ sở giết mổ không tập trung...
Bên cạnh đó, việc theo dõi, quản lý nguồn lao động ở địa phương chưa chặt chẽ, thống nhất nên khi cập nhật, phân tích để đánh giá các tiêu chí về lao động trong bộ tiêu chí NTM chưa chính xác. Công tác huy động nông dân học các lớp nghề ngắn hạn, học viên tham gia không thường xuyên...
Tính đến giữa tháng 3.2023, toàn tỉnh Đồng Tháp có 103 xã đạt chuẩn NTM, đạt 89,56%; 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 2 huyện, 3 thành phố đạt chuẩn NTM.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kiều Thế đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp thay đổi nhận thức của người dân, góp phần tạo nguồn lực lớn để thực hiện chương trình. Trong đó, phải có giải pháp thật sự hiệu quả để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Ngoài nguồn lực nhà nước đầu tư cần huy động thêm nguồn lực đóng góp người dân để duy trì các tiêu chí này.
Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của người dân; nghiên cứu thị trường lao động để tào tạo, dạy nghề phù hợp; tập trung quản lý chính xác nguồn lao động, giải quyết việc làm trên địa bàn. Đồng thời, tập trung vận động thực hiện việc chuyển đổi số, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích cũng như cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh; tập trung tăng cường năng lực cho y tế tuyến xã.