Nhiều chỉ số phát triển cao so với cả nước
Với vị trí địa lý hết sức quan trọng, kết nối hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc hiện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, thương mại.
Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương Dương Quốc Trịnh cho biết, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại khu vực tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Theo đó, năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hầu hết các tỉnh, thành đều tăng trưởng cao, trong đó có 13 tỉnh, thành tăng trên 10%, cao hơn mức tăng cả nước (4,7%). 9 tháng đầu năm, có 21 tỉnh, thành có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng cả nước (dự kiến tăng 10,3%), đặc biệt có những địa phương IIP ở mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2021 đạt 1.787 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ, cao hơn cả nước (giảm 3,8%). 9 tháng đầu năm 2022, ước đạt 1.612,9 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 197,31 tỷ USD (chiếm 58,7% xuất khẩu cả nước và tăng 23,2 % so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cả nước (tăng 19%). 9 tháng 2022 ước đạt 160,87 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Xuất khẩu của các tỉnh trong khu vực đều tăng trưởng khá cao.
Về công tác quản lý nhà nước được thực hiện nghiêm túc, thể hiện tính trách nhiệm. Đặc biệt, công tác tác quản lý khuyến công tiếp tục duy trì và phát triển, thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành trên địa bàn. Bám sát các nội dung để hỗ trợ các cơ sở, công nghiệp nông thôn hiệu quả, từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực.
Năm 2022, ngành phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp đa số của các địa phương đạt trên 10%, đặc biệt là các tỉnh, thành có quy mô công nghiệp lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, daonh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 555,9 nghìn tỷ đồng. Cả năm đạt 2.168,8 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 56,8 tỷ USD, cả năm đạt 217,63 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu phấn đấu đạt 49,4 tỷ USD, cả năm đạt 210 tỷ USD.
Quan tâm đúng mức cho các địa phương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết, nhờ có sự hỗ trợ tích cực của ngành Công thương, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ trọng công nghiệp và thương mại ngày càng tăng, chiếm khoảng 67% cơ cấu kinh tế của Thanh Hóa. 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 39.325 tỷ đồng, (vượt 33% so với dự toán năm 2022). Toàn tỉnh đã hình thành 1 Khu kinh tế Nghi Sơn, 8 Khu công nghiệp và 40 Cụm công nghiệp.
Nhưng xét về mặt tổng quan, hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của tỉnh và khu vực vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành trong khu vực vẫn còn tương đối lớn. Chính vì vậy, đòi hỏi trước hết là sự liên kết, hợp tác giữa 28 tỉnh, thành phố trong khu vực. Việc liên kết hoạt động và hỗ trợ sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại của Điện Biên không có nhiều, chỉ chú trọng tiềm năng về điện năng. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn đề xuất, đối với quy hoạch điện VIII mong muốn trong quá trình rà soát, Bộ Công thương tham mưu Chính phủ ưu tiên cho các tỉnh đặc biệt khó khăn, có ít tiềm năng phát triển công nghiệp. Tập đoàn Điện lực cần đẩy nhanh triển khai các tuyến đường dây cao thế 220KV, 110 KV trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề cấp điện nông thôn cho 11.000 hộ chưa có điện, tỉnh quyết tâm triển khai thực hiện 2024 hoàn thành mục tiêu cấp điện lưới quốc gia. Hiện, Điện Biên đang đăng ký báo cáo cấp điện nông thôn giai đoạn 2, xin vốn ODA giai đoạn 2021-2025. Đối với chính sách hạ tầng giao thông, thuế quan, xuất nhập khẩu, vận tải cần có thêm sự quan tâm.
“Để phát triển công nghiệp, thương mại việc tháo gỡ nút thắt về thể chế cũng cần được quan tâm”, là nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm. Hiện, các Bộ Luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Nghị định, Thông tư vẫn còn đang chồng chéo. Một số hướng dẫn của các Bộ, ngành vẫn chưa đồng bộ nên việc tổ chức thực hiện còn khó khăn. Do đó, cần phải sớm tháo gỡ những vấn đề về chính sách để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Hướng đến hoàn thành mục tiêu 2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, các tỉnh, thành cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, ban hành các chiến lược, đề án phát triển các ngành công nghiệp, thương mại địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tích hợp những nội dung này vào Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử... Tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, thuận lợi trong thủ tục hành chính. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh...
Ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Tiếp tục tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tìm kiếm thị trường mới; tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương. Cuối cùng, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, hoạt động của ngành đang triển khai hỗ trợ các địa phương trên cả nước.