Đó là nội dung được nhiều đại biểu ghi nhận, đánh giá cao tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX sáng qua, 7.12.
Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu quan trọng
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu đã nhấn mạnh: năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động mất việc, thiếu việc làm. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, 100% các chỉ tiêu chủ yếu (9/9 chỉ tiêu) đạt và vượt mục tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra. Trong đó, một số chỉ tiêu về tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giá trị xuất khẩu,… hoàn thành vượt mức cao so với kế hoạch.
Theo đánh giá của các Ban HĐND tỉnh qua thẩm tra, trong năm 2022 môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện, đi vào thực chất; chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index) nằm trong nhóm đầu cả nước. Thu hút đầu tư đạt nhiều tiến bộ, đầu tư công huy động ở mức cao; đã khởi công 12 dự án đầu tư công và 2 dự án đầu tư ngoài ngân sách có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác điều hành thu, chi NSNN bảo đảm chủ động, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên và các khoản chi phát sinh…
Tuy nhiên, sản xuất một số ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trọng điểm chậm tiến độ. Công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng ở một số địa phương chưa được quan tâm, việc xử lý các vi phạm còn chậm; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở một số địa phương thực hiện chậm, vướng mắc của một số dự án còn kéo dài... Đặc biệt, công tác quản lý chấp hành pháp luật về đất đai có nơi, có lúc thiếu chặt chẽ, chưa kiên quyết, dẫn đến ở nhiều địa phương có tình trạng người dân lấn chiếm đất hoặc chuyển mục đích và sử dụng đất trái phép…
Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Phú Thọ ước đạt 7,97%, là mức tăng cao nhất so với năm 2020 và 2021; đà phục hồi tăng trưởng ghi nhận ở cả 3 khu vực; tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 8.411 tỷ đồng, tăng 48,8% so với dự toán HĐND tỉnh giao; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021…
Năm 2023, tỉnh Phú Thọ xác định mục tiêu trọng tâm là tiếp tục thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Để hiện thực hóa những mục tiêu ấy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng đô thị, giao thông liên huyện, liên vùng. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu...
Thẩm tra các nội dung trình kỳ họp, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp thực hiện tốt khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP từ 7,5% trở lên trong năm 2023. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế; quản lý chặt việc thu thuế khoán đối với các hộ kinh doanh; có biện pháp cụ thể để thu hồi các khoản thuế nợ đọng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án mới đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tập trung nguồn lực để triển khai hoàn thành dứt điểm các dự án trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình; tập trung rà soát, đánh giá tiến độ các dự án, giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý nhà nước về đất đai; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện tốt việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong khai thác khoáng sản, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn...
Nhìn lại hành trình vượt khó và bứt phá trong năm 2022 của tỉnh, có thể thấy được sự bứt của vùng Đất Tổ, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc và động lực phát triển để Phú Thọ tự tin, vững vàng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên chặng đường mới, sớm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đưa tỉnh trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc.