Phân bổ vốn hàng năm cho các dự án thuộc Chương trình đạt 65,8%
Thực hiện nội dung này, trong Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, Đoàn giám sát cho biết, về tổng thể, tính đến ngày 31.12.2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho 14 bộ, cơ quan trung ương và 57 địa phương với 264 dự án và 3 nhiệm vụ trong 2 năm 2022 - 2023 với tổng số tiền 175.490,7 tỷ đồng, đạt 99% hạn mức vốn tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Trong đó, 36 dự án đầu tư cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm với tổng số tiền 3.150/3.150 tỷ đồng; 81 dự án phát triển kết cấu hạ tầng với tổng số tiền là 113.277/113.550 tỷ đồng; 147 dự án đầu tư hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, viện và bệnh viện cấp Trung ương với tổng số tiền 13.490,7/14.000 tỷ đồng (2 dự án trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 - 2025); cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch 300 tỷ đồng.
Đến ngày 31.12.2023, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ vốn hàng năm cho các dự án thuộc Chương trình là 130.287,4 tỷ đồng, giải ngân trong năm 2023 đạt 87.417 tỷ đồng, đạt 65,8% Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân tích cực như: Bộ Giao thông Vận tải đạt 93%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đạt 97%. Bên cạnh đó, một số bộ có kết quả giải ngân các dự án sử dụng vốn của Chương trình đạt rất thấp như: Bộ Tài chính kết quả giải ngân 0,3% trên tổng số vốn đã giao Kế hoạch là hơn 1.800 tỷ đồng; Bộ Y tế có kết quả giải ngân 1,7% trên tổng số vốn Kế hoạch năm 2023 trên 1.400 tỷ đồng; Bộ Nội vụ có một dự án, giải ngân 0% và Bộ đề nghị trả lại vốn đối với Dự án Lưu trữ tài liệu điện tử Phông lưu trữ nhà nước Việt Nam - phần 2; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có kết quả giải ngân 0,1% và đề nghị trả lại toàn bộ số vốn chưa phân bổ, rút 5 dự án khỏi Chương trình...
Một số địa phương có kết quả giải ngân thấp như: Sơn La giải ngân đạt 54%, trong đó có tới 6 dự án giải ngân 0%; Quảng Trị giải ngân đạt 19%, trong đó có dự án giải ngân 0%; Quảng Nam giải ngân đạt 45%, trong đó có dự án giải ngân chỉ đạt 2%; Hòa Bình giải ngân đạt 5%, trong đó có 3 dự án giải ngân đạt 0%.
Tổng kết, sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công
Cụ thể, với đầu tư phát triển trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo danh mục và mức vốn là 13.491 tỷ đồng cho 145 dự án thuộc lĩnh vực y tế của 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu tham gia chương trình, 15 viện, bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch để phục hồi sau đại dịch. Và, đến thời điểm báo cáo 31.1.2024, tổng số giải ngân của các dự án thuộc lĩnh vực y tế là 6.503 tỷ đồng, đạt 48% so với tổng mức vốn bố trí theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Trong số các nguyên nhân được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) quan tâm đến nguyên nhân các cơ quan chức năng chưa kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công, nhất là tiêu chuẩn, định mức đầu tư các dự án về y tế không có cấu phần xây dựng liên quan đến gói thầu trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế, gây khó khăn cho các địa phương. Thực tế, tỷ lệ giải ngân của một số dự án liên quan đến gói trang thiết bị y tế ở các địa phương rất thấp, nhiều dự án liên quan đến đầu tư trang thiết bị y tế rất chậm, có nơi giải ngân 1% hoặc không thể thực hiện được.
“Nội dung này tôi đã kiến nghị tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Sáu (Quốc hội Khóa XV), nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn”. Nêu rõ điều này, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuân đề nghị Chính phủ tổng kết, sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công và các văn bản thi hành, xóa bỏ những thủ tục không cần thiết để thực hiện đầu tư công một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Những hiệu quả của Chương trình là rất rõ ràng, cụ thể và đã có những tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để phát huy hơn nữa mục đích, ý nghĩa của Chương trình, tránh việc đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, như Báo cáo kết quả giám sát đã nêu, dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa đúng mục tiêu đề ra, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát và xem xét, điều chỉnh nguồn vốn, tạo điều kiện cho các dự án tiếp tục được đầu tư đồng bộ, cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị để đưa vào hoạt động, vận hành. Do vốn dành cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có thời hạn, không thể kéo dài, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 cần chỉ đạo tiếp tục rà soát để bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiệu quả đối với các dự án trong Chương trình. “Chỉ khi một dự án được đầu tư đồng bộ, đưa vào thực hiện một cách có hiệu quả thì mới phát huy được hiệu quả của Chương trình trên thực tế”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh.