- Đại hội đồng AIPA 42 đã thông qua các Nghị quyết về tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường ASEAN và Nghị quyết về chủ đề an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm trong ASEAN. Ông đánh giá như thế nào về việc AIPA xem xét, thông qua các Nghị quyết này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay?
- Hiện nay, Việt Nam cũng như các nước trong ASEAN đang đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Để thực hiện được việc này, có một môi trường không gian mạng an toàn, tin cậy là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc Đại hội đồng AIPA 42 thảo luận và ban hành Nghị quyết về vấn đề tăng cường bảo đảm an ninh mạng, an ninh con người có ý nghĩa hết sức quan trọng.
- Để các Nghị quyết này được thực thi trong khu vực và ở từng nước thành viên, theo ông, Chính phủ các nước, đặc biệt với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ chủ quản như Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai những công việc gì, thưa ông? Trong quá trình đó, theo ông, có cần đề xuất sửa đổi, bổ sung gì về chính sách, pháp luật hay không?
- Trước hết, trên cơ sở Nghị quyết này, tôi tin rằng Cộng đồng ASEAN sẽ ban hành một kế hoạch tổng thể chung, vì an toàn, an ninh mạng hiện đang là một trong những vấn đề toàn cầu và khu vực, chứ không phải vấn đề riêng của một quốc gia nào. Và từ kế hoạch tổng thể này của Cộng đồng ASEAN, các nước trong khu vực có thể xem xét hài hòa hóa hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của từng nước, hướng tới mục tiêu xây dựng một không gian mạng tự cường ASEAN. Muốn vậy, cần bảo đảm thực thi những chính sách tương đồng về an toàn, an ninh mạng, vì mục tiêu cao nhất xây dựng một Cộng đồng ASEAN thực sự an toàn, tin cậy trên môi trường số.
Và trên cơ sở kế hoạch tổng thể chung của Cộng đồng ASEAN, mỗi quốc gia cũng sẽ phải có kế hoạch hành động riêng của mình. Đối với Việt Nam, chúng ta hiện đã có khuôn khổ pháp lý bảo đảm an toàn, an ninh mạng tương đối hoàn chỉnh. Năm 2015, Quốc hội thông qua Luật An toàn thông tin mạng và một loạt các văn bản hướng dẫn của Chính phủ cũng như các Bộ quản lý có liên quan đều đã được ban hành. Trong năm 2018, Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và hiện nay một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành và một số văn bản đang được xây dựng, hoàn thiện. Cộng đồng quốc tế đánh giá khá cao khuôn khổ pháp lý về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam.
Bằng chứng là năm 2020, xếp hạng của Việt Nam về vấn đề an toàn, an ninh mạng đã tăng lên 25 bậc. Ngay cả đánh giá về hai trụ cột của cộng đồng quốc tế (về khuôn khổ pháp lý và hợp tác quốc tế) trong vấn đề bảo đảm an ninh mạng, Việt Nam đều được số điểm tuyệt đối. Điều đó cho thấy, bên cạnh việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý trong nước, Việt Nam rất quan tâm thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế. Đây là vấn đề khu vực và toàn cầu, cho nên Việt Nam cũng khá chủ động trong ASEAN cũng như trên thế giới. Ví dụ, trong Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam cũng có những sáng kiến thúc đẩy hợp tác nhiều bên, bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.
- Dù không trực tiếp đề xuất hay bảo trợ nghị quyết nào, song Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến quan trọng hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết trình Đại hội đồng AIPA 42 thông qua. Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia này, trong đó có những đề xuất hoàn thiện Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông?
- Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao những đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, đặc biệt Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA 42, đã nêu vấn đề và đưa ra nhiều kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong ASEAN về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Rất mừng là các kiến nghị, đề xuất của Việt Nam đều được Đại hội đồng ghi nhận, tiếp thu và tích hợp, thể hiện trong các nghị quyết thông qua.
Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn với Bộ Thông tin Truyền thông khi Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã quan tâm đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đây là tiền đề để Việt Nam có thể phát triển thịnh vượng trên môi trường không gian số.
Việc lựa chọn chủ đề chuyển đổi số cũng cho thấy Quốc hội nước ta rất nhanh nhạy và nhận thức được trách nhiệm quan trọng của mình trong việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật với lĩnh vực này. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho chuyển đổi số cũng như những vấn đề mới mà chuyển đổi số cần nền tảng pháp lý để có thể phát triển được.
-Xin cảm ơn ông!