Thông tin từ Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết, doanh nghiệp đã kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) triển khai mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ trên cây cà phê tại gia đình bà Đỗ Thị Nga (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).
Tại đây, 0,5ha cà phê được sử dụng đạm, NPK và phân bón kali Phú Mỹ. Theo đại diện PVFCCo, ở mô hình này, các chuyên gia nông nghiệp tổ chức phân tích độ pH, chất hữu cơ, các chỉ tiêu về nitơ, kali và hàng loạt yếu tố khác để đưa phương thức bón phân cân đối, hợp lý. Việc bón phân cũng được thực hiện theo từng giai đoạn sinh trưởng và nhu cầu của cây trồng.
Bà Đỗ Thị Nga, chủ mô hình cho biết, đến nay, gia đình tổ chức 4 đợt bón phân và đã kết thúc để chuẩn bị cho vụ thu hoạch. 1 tháng sau đợt bón đầu tiên, cây trên vườn phát triển rễ tơ nhiều. Đến nay, toàn bộ cây trên vườn phát triển mạnh, cành dài, lá dày, cây ít bị sâu bệnh hại. Đặc biệt, trái to, đều và không bị rụng như trước đây.
Cũng theo bà Nga, trước đây, gia đình tổ chức sản xuất theo phương thức truyền thống, không có sự phân tích cụ thể nên vườn cây dễ rơi vào tình trạng thiếu hoặc thừa phân bón. Chính điều này đã dẫn đến việc cây phát triển thiếu sự đồng đều, năng suất và chất lượng không cao.
“Hiện nay, các chuyên gia thường xuyên kiểm tra, đánh giá nên gia đình nắm bắt được nhu cầu dinh dưỡng của cây và đưa ra cách bón cân đối. Cách bón phân này cũng góp phần làm đất tơi xốp, giữ ẩm tốt hơn. Với quy trình bón phân này, gia đình tiết kiệm được 10 – 15% chi phí so với cách làm truyền thống" - bà Nga chia sẻ
Chuyên gia nông nghiệp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên Lương Đức Trí đánh giá, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật mới kết hợp sử dụng bộ phân bón NPK Phú Mỹ, kali Phú Mỹ giúp vườn cà phê đạt hiệu quả cao. Ngoài việc cho năng suất cao hơn 20% so với mô hình đối chứng, cây phát triển cành dự trữ mạnh nên tỉ lệ đậu quả cho mùa vụ sau sẽ rất cao.
Cũng theo ông Trí, ở mô hình này, kích thước và trọng lượng quả cà phê tăng 13 - 19%, sâu bệnh hại giảm 20 - 25% so với mô hình đối chứng, giúp hạn chế đáng kể chi phí do phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe người sản xuất. Đặc biệt, chất lượng đất nền vườn được cải thiện đáng kể.
“Trước khi thực hiện mô hình, đất vườn có xu hướng giảm đạm, lân, kali… Đến nay, sau thời gian ngắn thực hiện mô hình, đất vườn dần được cân bằng dinh dưỡng. Đây là mô hình đạt hiệu quả cao và chúng tôi mong muốn những vườn sản xuất cà phê ở địa phương tham khảo, nhân rộng. Việc này sẽ góp phần cải tạo đất, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập” - ông Lương Đức Trí nhấn mạnh.
Phó trưởng ban Nghiên cứu Phát triển và thị trường (PVFCCo) Đặng Hữu Thắng cho biết, Phú Mỹ là thương hiệu phân bón lớn của Việt Nam. Trong suốt gần 20 năm qua, Tổng Công ty luôn cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đưa ra các bộ giải pháp về kỹ thuật để nông dân ứng dụng vào canh tác nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí đầu vào và sản xuất an toàn, hiệu quả, hạn chế thấp nhất tác động xấu tới môi trường sinh thái, góp phần vào định hướng phát triển nền “nông nghiệp xanh”, giảm phát thải.
Đối với mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ trên cây cà phê tại gia đình bà Đỗ Thị Nga, chỉ tiêu sinh trưởng, chiều cao của cây, số trái và năng suất đều cao hơn đối chứng. Mô hình này cũng đảm bảo tiết kiệm về chi phí phân bón.
Hàng năm, PVFCCo tổ chức nhiều hội thảo đầu bờ để giới thiệu mô hình sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, hiệu quả đến người dân. Đặc biệt, PVFCCo cũng tổ chức hợp tác “4 nhà” gồm nhà khoa học, nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông để xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sử dụng phân bón để lan toả đến cộng đồng. Hiện, PVFCCo đang thực hiện 6 mô hình sử dụng phân bón Phú Mỹ ở các tỉnh Tây Nguyên với các loại cây trồng khác nhau.