Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi một số quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Một số ý kiến nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công an nhân dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.
Nhiều đại biểu tán thành với việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 9 khoản, thuộc 5/46 điều của Luật Công an nhân dân năm 2018, tập trung vào các chính sách, như: hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an; cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân…
Theo ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai), việc sửa đổi, bổ sung về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân sẽ có tác động tích cực đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng này. Thực tế cũng cho thấy, các trường hợp đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ rất ít, được thực hiện bởi các quy định, thủ tục xét duyệt rất chặt chẽ, qua nhiều cấp bậc. Trong khi đó, việc kéo dài đối với một số đồng chí đã phát huy được năng lực, trình độ, kinh nghiệm và sự cống hiến trí tuệ ở tầm chuyên gia đầu ngành, từ đó, giúp lực lượng công an tận dụng được nguồn lực chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Việc nâng cao hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, ở góc độ khác, theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, cũng sẽ giúp cân đối, giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm xã hội.
Làm rõ sự khác nhau trong lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ
Một số đại biểu Quốc hội băn khoăn khi dự thảo Luật quy định việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất cho nhiều nhóm đối tượng với những cách thức, lộ trình thực hiện không giống nhau.
Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 30 Luật Công an nhân dân năm 2018 về hạn tuổi phục vụ theo hướng: với công nhân công an thì nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi, tức là nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi. Đối với hạ sĩ quan là 47 tuổi, tăng 2 tuổi; cấp úy là 55, tăng 2 tuổi. Đối với thiếu tá, trung tá thì nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi - tức là tăng 2 tuổi đối với cả nam và nữ. Với cấp bậc thượng tá thì nam 60 tuổi, nữ 58 tuổi, tức là, nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 3 tuổi. Với cấp bậc đại tá thì nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi - tức là, nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi. Đối với cấp tướng: nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi - tức là, nam tăng 2 tuổi nhưng nữ thì giữ nguyên.
Cũng theo dự thảo Luật, lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam công nhân công an, đại tá và cấp tướng; và 4 tháng đối với nữ công nhân công an, thượng tá, đại tá. Các trường hợp còn lại thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Theo ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên), cần làm rõ vì sao lại có sự khác nhau trong lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất giữa các cấp bậc, cũng như giữa nam và nữ. Quy định như dự thảo Luật có bảo đảm tính công bằng và bình đẳng đối với đối tượng là nữ không? Đặt câu hỏi này, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ và xác định thời điểm tăng hạn tuổi từ ngày 1.1.2021 theo quy định của Bộ luật Lao động. Còn đối tượng cụ thể và lộ trình tăng tuổi cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để thiết kế, sắp xếp, bố trí tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất với những nhóm đối tượng, lộ trình, thời điểm thực hiện khoa học hơn, hợp lý hơn. Các quy định cần bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng, thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện.