Tham dự có Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính; đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao; đại diện Hiệp hội ngân hàng thương mại…
Báo cáo về nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Tạ Quang Đôn cho biết, tại dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 193 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành để điều chuyển thẩm quyền quyết định của việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng; lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm.
Các đại biểu dự Tọa đàm thống nhất sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành để tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội để tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là các tổ chức tín dụng), tổ chức mua bán, xử lý nợ, qua đó khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tại dự thảo Luật đã bổ sung Điều 198a sau Điều 198 Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ trong trường hợp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Theo đó, tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Việc thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện trong trường hợp hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của pháp luật. Thu giữ tài sản bảo đảm không phải là việc thu giữ đơn phương, phải tuân thủ phạm vi, giới hạn, điều kiện thu giữ để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan...

Các đại biểu cho ý kiến để làm rõ bản chất, mục tiêu, điều kiện, phạm vi thực hiện, vai trò của các cơ quan liên quan… khi tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm.


Kết luận Tọa đàm, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Nguyễn Hải Nam ghi nhận các ý kiến rất trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia, đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tính nhân văn khi thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến để xây dựng phương án tối ưu nhất khi trình dự án Luật ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44 đang diễn ra.