
Sáng nay, 14.4, tiếp tục phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3.2025.

96,1% kiến nghị được giải quyết, trả lời
Trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình nêu rõ, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, 2.033 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 1.953 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 96,1%.
Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 38/38 kiến nghị. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới, đặc biệt là tiếp tục tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về thể chế, xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu của đất nước để bước vào kỷ nguyên mới...

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 1.867/1.947 kiến nghị. Theo đó, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã tích cực, tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Các Bộ, ngành đã nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra giải pháp thiết thực nhằm xử lý dứt điểm, trả lời thỏa đáng những vấn đề cử tri quan tâm. Qua đó đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, ổn định tình hình và cải thiện đời sống nhân dân. Một số kiến nghị cụ thể đã được Bộ, ngành đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Tuy nhiên, một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa gửi đúng thời hạn báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp, đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết. Do vậy, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát kiến nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri.
Cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3.2025, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nêu rõ, cử tri và nhân dân đánh giá cao những kết quả đạt được trong 3 tháng đầu năm 2025, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển so với cùng kỳ năm trước, tạo động lực và khí thế để tiếp tục thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Cử tri và nhân dân hết sức quan tâm đến những nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ Chín, nhất là việc Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18; kỳ vọng Quốc hội tiếp tục có nhiều quyết sách tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.
Cử tri và nhân dân quan tâm và đồng tình, ủng hộ công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được chỉ đạo triển khai quyết liệt, khẩn trương, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân lo lắng về thông tin giả mạo, sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội về chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng cháy nổ xảy ra ở nhiều nơi; hoạt động khám, chữa bệnh trá hình, mạo danh bác sĩ các bệnh viện lớn, không có chứng chỉ hành nghề y; tình hình thời tiết thất thường, hanh khô nên có nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh ảnh hưởng sản xuất và chăn nuôi; tình hình dịch sởi bùng phát nhanh; về việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ tác động không nhỏ đến sản xuất, việc làm trong nước, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu...
Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 377 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 376 vụ việc và có 15 lượt đoàn đông người.
Các cơ quan đã tiếp nhận và xử lý được 1.708 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến; trong đó có 423 đơn đủ điều kiện xử lý, 1.285 đơn không đủ điều kiện xử lý đã thực hiện lưu đơn theo quy định.
Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính tiếp tục chỉ đạo các các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính nhằm tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, các lực lượng từ Trung ương đến cơ sở.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Thanh tra Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung công tác rà soát, chỉ đạo giải quyết dứt điểm 226 vụ khiếu kiện phức tạp, thường xuyên kéo lên Trung ương.
Xác định trách nhiệm, thời gian thực hiện, hậu kiểm các kiến nghị giám sát trước
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV là hết sức quan trọng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, từ tháng 12.2024 đến nay đã tiến hành sắp xếp bộ máy của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành cho đến các địa phương. Tiếp theo giai đoạn 2 là chuẩn bị để sửa đổi Hiến pháp, kết thúc hoạt động của cấp huyện, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Báo chí chính thống đã đăng tải danh sách 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương để trình Quốc hội. Việc công khai như vậy cũng là một phương pháp lấy ý kiến nhân dân, dư luận xã hội và việc sửa đổi Hiến pháp tới đây cũng phải lấy ý kiến của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nhiều bộ đã chủ động trả lời trước thời hạn kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tám. Một số kiến nghị liên quan đến quyền lợi của người dân đã được các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu, tích cực xem xét để xử lý.
Một số kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại các Báo cáo giám sát của những kỳ họp trước được các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo kịp thời, nhất là Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành.
“Văn bản trả lời đã tốt hơn, cử tri thấy hài lòng, không lòng vòng, chung chung, hình thức. Nhiều khiếu nại đã được bộ, ngành tập trung giải quyết trong thời gian giữa hai kỳ họp; một số bộ ngành đã giải quyết được nhiều khiếu nại của cử tri”, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy các kết quả trên, không ngừng đổi mới cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; các giải pháp cần mạnh mẽ hơn nữa, lấy sự hài lòng của cử tri và nhân dân làm thước đo.
“Việc tập hợp kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội của một số Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm đúng thời gian quy định. Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở”. Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị báo cáo cần bổ sung đánh giá nguyên nhân, hạn chế và làm rõ giải pháp khắc phục của tình trạng có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng vẫn được tập hợp đề nghị cơ quan Trung ương giải quyết.
Đối với Chính phủ, bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những “lời hứa” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo niềm tin cho cử tri, một số chính sách ưu đãi của Nhà nước mặc dù đã được ban hành nhưng chưa triển khai trong thực tiễn do bộ, ngành chậm ban hành.

Nêu rõ Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV đã thông qua 18 luật và nhiều nghị quyết quan trọng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải có sự sắp xếp, xem xét hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành đã đến với địa phương hay chưa và địa phương hướng dẫn như thế nào để kịp thời nhắc nhở. Bên cạnh đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội đã thông qua 6 nghị quyết liên quan đến chỉ đạo, điều hành về kinh tế - xã hội. Bộ Tư pháp cần rà soát kỹ lưỡng các văn bản hướng dẫn các nghị quyết này.
Đối với một số vấn đề cử tri kiến nghị nhưng chưa được kịp thời giải quyết, gây khó khăn cho các địa phương, cơ quan, đơn vị khi triển khai thực hiện, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần có sự phân loại, nghiên cứu để xử lý, giải quyết thấu đáo.
Đồng thời, tiếp tục rà soát một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, nhất là liên quan đến kiến nghị của cử tri và nhân dân ở địa phương.
"Báo cáo giám sát cần tăng lực mạnh mẽ về quan điểm, hướng đề xuất, xác định trách nhiệm và thời gian thực hiện, hậu kiểm các kiến nghị giám sát trước đó, tạo niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Quốc hội, Chính phủ, MTTQ và các đoàn thể. Báo cáo cần ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào vấn đề cụ thể người dân quan tâm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát. Các báo cáo đã bao quát tương đối toàn diện, các kiến nghị cụ thể, phù hợp, có căn cứ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng để giải quyết các kiến nghị của cử tri và Nhân dân, các đơn thư, khiếu nại, tố cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ Chín, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát rà soát, hoàn thiện để báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc. Đây là công việc hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, cần theo dõi, nắm chắc tình hình, tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Chín. Cùng đó, nhắc nhở các địa phương, không để trình trạng “địa phương chờ Trung ương”.