Giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện
Theo Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển lĩnh vực này là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.
Dự thảo Luật gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013) và có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều.

Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Kế thừa tối đa những nội dung của Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay.
Còn nặng tư duy hành chính
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục bám sát và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; thực hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; thể chế hóa chủ trương của Đảng về vai trò của doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó kinh tế tư nhân là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Cần thể hiện rõ ràng “chủ thuyết” phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dự thảo Luật, bởi đây được coi là đạo luật gốc trong lĩnh vực này…

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, song có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh và toàn bộ nội dung dự thảo Luật “còn nặng tư duy hành chính” - quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước - mà chưa thực sự làm nổi bật các cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất, kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa thể hiện rõ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xây dựng, ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cho rằng, dự thảo Luật đã thể hiện được tinh thần đổi mới, bám sát chủ trương của Đảng, theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần cân nhắc việc kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do chưa có nhiều thời gian đánh giá, kiểm nghiệm và hiệu quả các quy định kế thừa.

Do đó, cần rà soát, đánh giá kỹ sự cần thiết, độ chín muồi của từng nội dung để có cơ sở đưa vào Luật, bảo đảm tính khả thi, ổn định của Luật; các nội dung khác chưa đáp ứng điều kiện vẫn nên tiếp tục thực hiện thí điểm để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ.
Về tên gọi dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi mở, có thể sửa đổi thành Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) và nội dung đổi mới sáng tạo là nội hàm nằm trong Luật và nghiên cứu xây dựng thành chương riêng.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong dự thảo Luật cần tránh đưa quá nhiều nội dung, mà cần tập trung vào những vấn đề cần thiết, xã hội cần, nhà khoa học cần, có thể triển khai được ngay; đồng thời nêu rõ, với các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội "sẵn sàng ngồi lại cùng Chính phủ để tháo gỡ".
Về các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật đã có quy định thể chế hóa nội dung về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ được ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ…
Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật quy định tới 6 quỹ thì có quá nhiều hay không? Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có thể gom lại một số quỹ cần thiết nhằm bảo đảm các quỹ phát huy được hiệu quả trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, làm sáng tỏ, thuyết phục những điểm mới, quan trọng để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.