Góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi chính sách
Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thực tế cho thấy, thời gian qua công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Tuy nhiên công tác truyền thông có lúc vẫn chưa thực sự đạt yêu cầu đề ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác truyền thông chính sách. Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Mô hình truyền thông hiệu quả là truyền thông hình thành văn hóa đối thoại, bảo đảm quyền được biết của công chúng, đồng thời xây dựng môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng, thực thi chính sách. Như vậy, truyền thông phải gắn liền với công tác dân vận, thực hiện dân chủ cơ sở. Truyền thông cần là quá trình đối thoại chính sách, kích thích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, của doanh nghiệp.
ĐBQH Hoàng Nam Tiến (Đắk Nông)
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, trong đó có những thông tin không chính thức đã ảnh hưởng không nhỏ tới dư luận xã hội thì công tác truyền thông chính sách càng cần được quan tâm đúng mức, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Nếu truyền thông chính sách được triển khai kịp thời, bài bản sẽ góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.
Cũng bởi truyền thông chính sách có vai trò quan trọng, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) cho rằng, báo cáo của Chính phủ xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ thứ 10 đặt ra với lĩnh vực thông tin truyền thông với 3 nhiệm vụ then chốt, đó là truyền thông chính sách, ngăn chặn thông tin xấu, độc, tạo đồng thuận xã hội. Trong đó, “truyền thông tạo sự đồng thuận trong xây dựng, thực thi chính sách, đó là mấu chốt để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu truyền thông khác”, đại biểu Tiến nhấn mạnh.
Định hướng thông tin tuyên truyền, xử lý những dấu hiệu khủng hoảng truyền thông chính sách
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, trong Chương trình phối hợp công tác, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cục Báo chí đã thống nhất nội dung phối hợp công tác giai đoạn 2024 - 2027, tập trung vào các hoạt động: tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) gắn với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi đơn vị.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan báo chí tham gia thực hiện truyền thông chính sách, PBGDPL, thông tin về hoạt động PBGDPL với những nội dung: phổ biến, truyền thông về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; những quy định liên quan đến các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận thuộc phạm vi quản lý nhà nước của hai đơn vị; giáo dục, vận động người dân xây dựng ý thức tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật; thông tin, phản ánh tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân đối với các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý của hai đơn vị; gương người tốt, việc tốt; định hướng thông tin tuyên truyền, xử lý những dấu hiệu khủng hoảng truyền thông chính sách…
Tại Lễ Ký kết, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc -Bộ Tư pháp; Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã ký kết các chương trình phối hợp công tác. Việc ký kết sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong công tác phối hợp giữa các đơn vị nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị cũng như của hai bộ, ngành.
Ngoài ra, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cục Báo chí cũng phối hợp thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, pháp luật theo Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách gắn với việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu kỹ năng, nghiệp vụ về truyền thông chính sách, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật trung ương, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở Trung ương…
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, trong giai đoạn 2024 - 2028, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Cục Thông tin đối ngoại cũng thống nhất phối hợp tập trung truyền thông vào các hoạt động gồm: phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại trong triển khai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT), pháp luật Việt Nam về hai lĩnh vực này cho các bộ, ngành, địa phương. Phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn về kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cho cán bộ, công chức làm công tác thông tin đối ngoại ở trung ương và địa phương; pháp luật về quyền con người cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật…
Theo Thứ tưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, công tác truyền thông chính sách là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ rất quan tâm, điều này đã được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5.1.2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó xác định rõ giải pháp về tăng cường công tác truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Nhấn mạnh nội dung, mục đích ký kết chương trình phối hợp “hết sức thiết thực”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, trên cơ sở đó các cơ quan sẽ có nhiều giải pháp tham mưu Chính phủ, Hội đồng PBGDPL Trung ương để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, truyền thông chính sách theo phương châm thực chất, hiệu quả. Thông qua các nội dung phối hợp sẽ góp phần thúc đẩy các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của ngành mình, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nói.