Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được áp dụng tạm thời kể từ ngày 1.1.2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.5.2021.
Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt sang Vương quốc Anh trong thời gian qua là các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và được hưởng cam kết ưu đãi thuế quan trong UKVFTA như: Dệt may, da giày, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy móc thiết bị, đồ chơi, dụng cụ thể thao. Hàng rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc cũng ghi nhận mức tăng cao về kim ngạch xuất khẩu….
Tuy nhiên, dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA được đánh giá còn rất lớn. Khi hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh. Một trong những nguyên nhân được cho là do nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao. Do vậy, rất cần có những biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi, đáp ứng tiêu chuẩn và mạnh dạn thâm nhập vào thị trường này.
Tại tọa đàm, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, dư địa để hai nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn. Vương quốc Anh và Bắc Ailen là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 4 thế giới, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang đây mới chiếm khoảng 0,9% trong tổng nhập khẩu của Vương quốc Anh và Bắc Ailen. Với dung lượng thị trường còn nhiều dư địa, mức thuế nhập khẩu được xoá bỏ về cơ bản theo cam kết UKVFTA, cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh là rất lớn.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, UKVFTA đã đưa ra rất nhiều biện pháp để có thể khuyến khích phát triển thương mại song phương. Đặc biệt, thuế nhập khẩu Vương quốc Anh được xoá bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi lớn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài các ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ... phát huy được lợi thế, thì thông qua UKVFTA, Vương quốc Anh cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế đối với 14 mặt hàng. Qua đó, nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đã tận dụng được lợi thế xuất khẩu vào Anh.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến thị phần hàng hóa của Việt Nam chưa chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Anh được cho là tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Anh cao, thường xuyên cập nhật; tư duy đối với môi trường, đối với lao động có sự khác biệt với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thích ứng, cũng như cần có các biện pháp quyết liệt thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của doanh nghiệp để mạnh dạn hơn trong đáp ứng tiêu chuẩn, gia tăng xuất khẩu sang thị trường Anh.
Để tận dụng tốt hơn nữa sự ưu đãi từ hiệp định này, các ý kiến tại tọa đàm cho rằng, trong bối cảnh đang có nhiều thay đổi trong chuỗi cung ứng doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững thông tin thị trường UK, để bảo đảm sự chuyên môn hóa trong sản xuất, từ đó gia tăng sức cạnh tranh với các quốc gia khác. Đồng thời, nắm rõ các thông tin liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp của mình, bao gồm: Mặt hàng thế mạnh của doanh nghiệp mình là gì, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đó vào UK là bao nhiêu, quy định về việc xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa…