![]() Từ trái sang phải: Em Phước, Chính ủy Trịnh Văn Thư, má Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và em Đức (Ảnh: TL) |
Năm nay đã bước sang tuổi 67, nhưng khi kể cho chúng tôi nghe về thời khắc lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đôi mắt của Tướng Nguyễn Huy Hiệu rực sáng lấp lánh, ông như sống lại những ngày tháng Tư đỏ lửa với hình ảnh má Sáu Ngẫu ở vùng Lái Thiêu, cửa ngõ Sài Gòn mà ông cùng đồng chí của mình không bao giờ quên.
Sau 38 ngày hành quân thần tốc, vượt 1.700 km từ Tam Điệp, Ninh Bình vào đến Đồng Xoài, ngày 26/4, Trung đoàn 27 Triệu Hải Anh hùng (thuộc sư 320B) do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy bắt đầu nổ súng hạ các mục tiêu của địch dọc trục đường 16 và tiến sát đến Búng, bắc Lái Thiêu. Đến ngày 29/4, Trung đoàn 27 được lệnh đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Gò Vấp, phối hợp cùng các mũi tấn công khác tiến vào giải phóng Sài Gòn. Lúc này, một khó khăn đặt ra cho vị chỉ huy mới bước qua tuổi 28 là quân ta chưa nắm được tình hình các điểm phòng thủ cũng như cách bố trí lực lượng của địch ở Lái Thiêu. Trong lúc khó khăn, một nguồn tin của ta cho biết, cách khu vực Lái Thiêu 3km có một gia đình là cơ sở cách mạng.
Ngay trong đêm 29/4, vượt mưa gió, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng Chính ủy Trịnh Văn Thư và tổ trinh sát đã thâm nhập vùng Lái Thiêu, qua bãi tha ma của khu dân cư đi vào mé bìa rừng để liên hệ với cơ sở cách mạng. Đến khuya, tổ trinh sát phát hiện một ngôi nhà lá có ánh đèn le lói. Các chiến sỹ gõ cửa rồi phát mật hiệu “Hồ Chí Minh” và được người má già, tay cầm đèn đáp lại “Muôn năm”. Nhận ra đúng mật hiệu, má liền mời các anh lính bộ đội Cụ Hồ vào nhà. Bên ngoài, một số chiến sỹ trinh sát làm nhiệm vụ cảnh giới. Sau những lời giới thiệu ngắn gọn, các chiến sỹ cũng được biết má tên Sáu Ngẫu, có chồng tên là Hai Nhương, hoạt động cách mạng, bị giặc bắt và giết hại năm Mậu Thân 1968, hiện má ở cùng hai con là Phước, 17 tuổi, con gái và con trai tên Đức, 14 tuổi.
Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu giở tấm bàn đồ quân sự ra và nhờ má Sáu Ngẫu chỉ dẫn cho các mục tiêu. Má Sáu đeo chiếc kính, nhìn một lát thì bảo má không rành các ký hiệu trên tấm bàn đồ, rồi má đi vào buồng và lấy ra tấm bản đồ đô thành Sài Gòn. Trải tấm bản đồ lên chiếc bàn gỗ, dưới ánh đèn dầu, má thoăn thoắt đánh dấu từng địa điểm, mục tiêu của địch với các thông tin về vũ khí, lực lượng với các mục tiêu quan trọng như ngã ba Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Phước, cầu Sắt Sài Gòn. Má vừa nói vừa ghi chú cẩn thận lên tấm bản đồ, các chiến sỹ của ta bất ngờ nhận ra, chữ má viết rất đẹp. Má vừa khoanh vùng trên tấm bản đồ, vừa bảo: “Đây là Trại Huỳnh Văn Lương, có hơn hai nghìn địch đang án binh bất động, các con không nên đánh vào trại này mà có thể kêu hàng, tránh đổ máu. Tiếp đó, các con nên đánh vượt qua mục tiêu Lái Thiêu, nhanh chóng đánh thẳng cầu Vĩnh Bình, cầu sắt Sài Gòn không địch nó phá mất.”
Trung đoàn trưởng Hiệu cùng các chiến sỹ cám ơn má và xin phép lên đường. Má bảo để má cùng em Phước, em Đức trực tiếp dẫn đường cho quân giải phóng. Thấy má già, các em lại nhỏ nên các chiến sỹ hứa sẽ trả thù cho má và sau khi chiến thắng sẽ trở lại thăm má cùng các em. Ngay trong đêm đó, Trung Đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng các đồng chí của mình đã lên kế hoạch thần tốc tiêu diệt địch ở chi khu và quận lỵ Lái Thiêu, bao vây chia cắt cô lập và bức hàng Trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương, đánh chiếm cầu Bình Phước, cầu Vĩnh Bình và cầu Lái Thiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng của ta thọc sâu, đánh vào các mục tiêu chủ yếu trong Sài Gòn.
Khoảng 4h sáng 30/4/1975, Trung đoàn 27 bắt đầu tấn công Lái Thiêu và làm chủ khu vực này sau 2 giờ chiến đấu. Tiếp đó, đơn vị đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, là nơi địch tử thủ quyết liệt. Ngoài Trung đoàn 27 lúc này có thêm Đại đội xe tăng của tiểu đoàn 66 tăng cường. Các lực lượng của ta phát huy hỏa lực mạnh của xe tăng và pháo 37 ly, đánh tan hệ thống tử thủ của địch, làm chủ cầu Vĩnh Bình. Đến khoảng 9h30 phút, mũi thọc sâu của Trung đoàn đã chiếm toàn bộ khu Gò Vấp, xưởng Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy, Căn cứ 25, 26 truyền tin và chiếm Tổng y viện Cộng hòa. Sau đó, cùng đơn vị khác đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Má Sáu Ngẫu cùng tấm bản đồ đã góp phần cho đơn vị thần tốc đánh chiếm các mục tiêu của địch và giảm thương vong cho trung đoàn.
Ngay buổi chiều 30/4 lịch sử, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng một số đồng chí đã trở lại ngôi nhà của má Sáu Ngẫu. Má cùng nhân dân Lái Thiêu hồ hởi đón các anh trong niềm vui chiến thắng và tặng cho các chiến sỹ rất nhiều hoa quả như chôm chôm, mãng cầu, lê ki ma, măng cụt… Sau này, các chiến sỹ mới biết má là giáo viên dạy tiếng Pháp của một trường phổ thông. Đây cũng là lý do vì sao chữ má viết trên tấm bản đồ đẹp đến thế!
Đất nước thống nhất, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu ngày nào nay đã là Thượng tướng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy kinh qua nhiều cương vị công tác, nhưng ông vẫn thường xuyên vào thăm má Sáu Ngẫu và em Phước, em Đức. Năm 1989, má Sáu Ngẫu qua đời, tướng Hiệu vô cùng đau đớn. Ông cùng đơn vị đã tạc một tấm bia bên mộ má với dòng chữ “Đại đoàn Đồng bằng, Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng ghi công má Sáu Ngẫu đã chỉ đường cho đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975”. Tấm bản đồ quý giá của má Sáu đã khơi nguồn cảm hứng và trở thành nguyên mẫu của ca khúc “Tấm bản đồ má trao” do nhạc sỹ Văn Thành Nho sáng tác.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định, đại thắng mùa xuân năm 1975 là chiến thắng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, của thế trận lòng dân mà Đảng, Bác Hồ đã dày công xây dựng. Nghệ thuật ấy, bắt nguồn từ truyền thống bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc với biết bao thế hệ con Lạc cháu Hồng. Má Sáu Ngẫu, cùng với triệu triệu người con của dân tộc đã góp phần “làm nên đất nước muôn đời”.