Renoir - họa sĩ của cái đẹp
Pierre-Auguste Renoir là một trong những người dẫn đường của chủ nghĩa Ấn tượng với sự nghiệp kéo dài hơn 60 năm. Mặc dù nhiều lần thay đổi phong cách, song ông không bao giờ xa rời mục tiêu của mình là tạo ra những hình ảnh tôn vinh cái đẹp và hạnh phúc, và ông vẫn luôn là một trong những họa sĩ được yêu chuộng nhất mọi thời đại.
Đối với những con mắt đương đại, tranh của Renoir là sự tôn vinh cái đẹp. Nhưng trong 15 năm đầu sự nghiệp, các tác phẩm của ông bị giới hàn lâm nghệ thuật chế nhạo và khinh thường. Họ mong đợi nghệ thuật tuân thủ những quy ước tao nhã, liên quan đến ánh sáng, bóng đổ, những vết cọ không thể nhận thấy và chú ý kỹ càng đến chi tiết. Cách thể hiện hình ảnh giống như ảnh chụp là mục tiêu chủ yếu, và các chủ đề như hoài niệm những thời khắc lịch sử hoặc thần thoại, hoặc những bức chân dung uy nghi được đánh giá cao. Ban đầu, phong cách của ông khá đúng lề thói và mang tính hiện thực, nhưng với sự cổ vũ của Monet, chẳng bao lâu Renoir bắt đầu phóng khoáng hơn, phong cách hơn và ông thường vẽ ngoài trời trực họa.
Ngay từ đầu, Renoir đã hội tụ những kỹ năng của một nghệ sĩ lớn. Ông có thểlàm việc theo nhiều phong cách khác nhau, là nghệ sĩ thiên bẩm về màu sắcvà xử lý sơn một cách lão luyện. Việc ông được đào tạo từ những ngày còn trẻtrong một xưởng vẽ trên đồ sứ là hữu ích, nhưng tài năng sớm nở của ông làđiều không cần bàn cãi.
Trong thời gian thăm Italy, Renoir ngạc nhiên trước nghệ thuật của các bậc thầy vĩ đại như Titian, Michelangelo, Bernini và Raphael; ông kinh ngạc trước màu sắc phi thường mà những nghệ sĩ tranh bích họa ở Pompeii đạt được với lượng phổ màu hạn chế, và ông say mê ánh sáng cùng màu sắc của phong cảnh Italy. Toàn bộ trải nghiệm Italy là một trong những nhân tố dẫn đến sự thay đổi phong cách của ông. Trở về Pháp, e ngại gây tác động không tốt đến thành công mong manh đã đạt được trước khi đi, ông bắt đầu xa rời nhóm Ấn tượng, bị gán cho cái mác một nhà cách mạng.
Một trong những họa sĩ sáng tác nhiều nhất
Ngoài Picasso, Renoir có lẽ là họa sĩ sáng tác nhiều nhất trong lịch sử. Trong suốt sự nghiệp khá dài, ông sáng tác khoảng 6.000 bức sơn dầu, cùng với đó là các bức phấn màu, hình họa, và tượng điêu khắc. Qua cuốn sách Renoir: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh, độc giả sẽ có cơ hội chiêm nghiệm thế giới độc đáo trên tranh của Renoir, nơi không có sầu buồn và thất vọng, tràn ngập ánh sáng và màu sắc tươi vui của phong cảnh tự nhiên, của những lọ hoa sum sê tươi mát, hay hình ảnh con người tương tác vui vẻ trong khung cảnh tự nhiên hoặc tranh vẽ những phụ nữ gợi cảm đầy sức sống. Tất cả hoàn toàn trái ngược với thực tại luôn đau đáu kiếm tìm phong cách riêng, và căn bệnh viêm thấp khớp hành hạ cùng niềm mất mát bạn bè thân thiết mà ông phải chịu đựng.
Nhiều nhà phê bình vẫn phàn nàn Renoir về tính đa cảm và bản chất đầy lý tưởng trong nghệ thuật của ông, trong khi những người ngưỡng mộ ông yêu nét thanh nhã và niềm vui sống mà ông mô tả. Renoir vẫn luôn là nhân vật quan trọng trong lịch sử nghệ thuật, trong số các nhà Ấn tượng chủ nghĩa hàng đầu, và là một trong những nghệ sĩ dễ hiểu và có ảnh hưởng lâu bền nhất của thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Renoir: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh, vừa được Omega+ vừa được phát hành toàn quốc, là một trong số ít cuốn sách hội họa về Renoir được xuất bản tại Việt Nam, bao gồm các tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa, cũng như những khung hình về cuộc sống, tổ ấm và gia đình của ông với 500 hình ảnh minh họa tuyệt đẹp. Cuốn sách được chọn lọc và phân chia theo hai phần: cuộc đời cùng bối cảnh sống khi còn trẻ, với cơ hội rèn luyện học nghề từ đó định hình sự nghiệp và phong cách; và sự nghiệp hội họa của Renoir theo dòng phát triển cùng thời gian.
Renoir: Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh cũng đánh dấu hoàn thiện bộ sách “Danh họa qua tác phẩm” với 10 cuốn sách giới thiệu cuộc đời và những kiệt tác của các họa sĩ nổi tiếng thế giới do Omega+ phát hành. Bộ sách giúp độc giả tra cứu thông tin nhanh chóng về cuộc đời, phong cách của mỗi danh họa, kèm các bức tranh màu sinh động để khám phá: Lý do khiến bực họa trở thành một kiệt tác “không thể chối cãi”; hoàn cảnh sáng tác, nơi chốn và ngày tháng thực hiện; giải thích về kỹ thuật vẽ mà họa sĩ sử dụng; chìa khóa để hiểu điều mà nghệ sĩ muốn thể hiện; chi tiết về kích thước, phương tiện, chất liệu và nơi lưu giữ; lời trích dẫn gợi ra tầm quan trọng của tác phẩm trong lịch sử nghệ thuật.