Số bệnh nhân Covid-19 nhập viện có xu hướng tăng, Bộ Y tế lưu ý công tác điều trị

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh Covid-19; phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành; yêu cầu tăng cường công tác thu dung, điều trị ca bệnh Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, số ca mắc trong những ngày qua có xu hướng tăng.

Trong 7 ngày từ 5.4 đến 11.4, cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới. Qua phân tích 639 ca bệnh trên đã ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2%) thuộc nhóm từ 50 tuổi trở lên. Số bệnh nhân nhập viện có xu hướng gia tăng và đã có 10 ca nặng.

Riêng 3 ngày gần đây (14.4 đến 16.4), cả nước ghi nhận 2.272 ca mắc mới, trung bình mỗi ngày có 757 ca mắc.

Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh Covid-19; phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai một số giải pháp.

Số bệnh nhân Covid-19 nhập viện đang tăng, Bộ Y tế lưu ý công tác điều trị -0
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Thứ nhất, rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 cụ thể tới từng đơn vị.

Bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 khi có chỉ định nhập viện. Dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 khi dịch bệnh có thể xẩy ra diễn biến phức tạp.

Thứ hai, chủ động nâng cao năng lực điều trị đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Phối hợp với bộ phận điều phối oxy y tế của tỉnh, thành phố để bảo đảm cung ứng oxy y tế cho nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai tập huấn, nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế.

Tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên. Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Thứ ba, tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật….

Đồng thời, tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch đẹp.

Thứ tư, đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ Covid-19 nằm tại các bệnh viện, khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ Covid-19, khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc Covid-19, tránh bỏ sót ca bệnh khiến dịch bệnh lan rộng.

Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị Covid-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh Covid-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.

Thứ năm, triển khai Nghị quyết 30/NQ-CP (ngày 4.3.2023) và Nghị định 07/2023/NĐ-CP (ngày 3.3.2023) của Chính phủ để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho công tác điều trị nói chung và điều trị Covid-19 nói riêng.

Thứ sáu, nghiêm túc báo cáo số liệu hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đánh giá, hiện nay tại nước ta, số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi đang có sự giao mùa, thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của virus. Bên cạnh đó, ý thức của người dân, đặc biệt là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh cũng có lúc, có nơi chưa đảm bảo.

Để chủ động phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.

Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi
Sức khỏe

Người phụ nữ bỏng nặng khi đi giác hơi

Trong lúc thực hiện phương pháp giác hơi để giảm bớt căng thẳng, bà T.T.T., 54 tuổi, ở Long An đã gặp phải sự cố bị cồn nóng đổ vào người. Cồn bắt lửa, bốc cháy, gây bỏng nặng vùng lưng và bụng.

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"
Sức khỏe

Người đàn ông nguy kịch vì vi khuẩn gây bệnh Whitmore "tấn công"

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị một trường hợp nguy kịch vì bệnh Whitmore. Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm, kết hợp với nền bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!
Sức khỏe

Các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn núp bóng spa ở Hà Tĩnh: Đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan!

Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định những cơ sở thẩm mỹ Minh Tuyết, Mậm Spa, Trinh Tây Spa chưa được các cơ quan có chức năng cấp phép thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn. Các cơ sở thường thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn lén lút, cảnh giác cao nên rất khó để xử lý, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Sở ngành có liên quan.