![]() Các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Italy |
Để soạn thảo Hiến pháp mới, Chính quyền dân chủ đã tổ chức bầu Quốc hội lập hiến (Constituent Assemly). Cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến, được tiến hành vào ngày 2.6.1946, là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước Italy, là cuộc bầu cử đầu tiên của nước Italy sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Cuộc bầu cử đã bầu ra 556 đại biểu Quốc hội lập hiến. Theo quy định, Hội đồng lập hiến gồm 573 đại biểu, tuy nhiên 17 đại biểu ở các đơn vị (Julian March và South Tirol) đã không được bầu vì những đơn vị đó nằm dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Hơn 23 triệu cử tri Italy đã tham gia cuộc bầu cử. Lần đầu tiên phụ nữ Italy được đi bỏ phiếu. Trong cuộc bầu cử, mỗi cử tri được phát 2 phiếu bầu: một phiếu để bầu đại biểu Quốc hội lập hiến, 1 phiếu để lựa chọn hình thức nhà nước Italy (quân chủ hay cộng hòa).
Tham gia ứng cử vào Quốc hội lập hiến có hơn 30 đảng chính trị, phong trào dân chủ, các đoàn thể. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử chỉ có 16 đảng chính trị, phong trào thu đủ số phiếu cử tri để cử đại diện của mình vào Quốc hội lập hiến. Trong đó, Đảng dân chủ cơ đốc giáo được 35,21% phiếu bầu chiếm 207 ghế; Đảng Xã hội được 20,68% phiếu bầu chiếm 115 ghế; Đảng Cộng sản được 18,93% phiếu bầu chiếm 104 ghế…
Sau khi được thành lập, Quốc hội lập hiến tiến hành soạn thảo Hiến pháp. Trong suốt quá trình soạn thảo Hiến pháp, Quốc hội lập hiến chịu ảnh hưởng của 3 trào lưu: Dân chủ thiên chúa giáo, chủ nghĩa tự do cấp tiến và khuynh hướng cánh tả. 3 trào lưu này đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối đến nội dung của Hiến pháp năm 1947.
Trào lưu dân chủ thiên chúa giáo chi phối mạnh mẽ đến những quy định của Hiến pháp về quyền con người trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế-xã hội như quyền làm việc và những bảo đảm thực hiện quyền làm việc của công dân; quyền thành lập nghiệp đoàn; quyền sở hữu tư nhân; về hôn nhân và gia đình…
Trào lưu của chủ nghĩa tự do, cấp tiến chi phối đến các quy định của Hiến pháp về tự do dân chủ, bầu cử công bằng, quyền con người, chủ nghĩa tư bản, thị trường tự do, tự do thương mại, tách nhà thờ ra khỏi nhà nước, tự quản địa phương…
Khuynh hướng cánh tả chi phối đến những quy định của Hiến pháp về các nguyên tắc cơ bản, quyền công dân và tổ chức bộ máy nhà nước. Theo quan điểm của những người cánh tả, con người được phát triển toàn diện khi các cá nhân được thống nhất với nhau trong mối quan hệ hợp tác, tương trợ, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời, khi sự khác biệt về địa vị cá nhân, quyền lực và sự thịnh vượng được xóa bỏ. Một xã hội thiếu bình đẳng thực sự sẽ làm méo mó sự phát triển không chỉ của cá nhân, mà còn làm xói mòn ý thức trách nhiệm, động lực phát triển của xã hội. Việc hạn chế sự phát triển của con người cùng với những xung đột, mâu thuẫn dẫn đến sự phân hóa giai tầng sâu sắc là nguyên nhân cơ bản làm suy giảm tính hiệu quả của nền kinh tế. Những hạn chế này sẽ được khắc phục trong xã hội mà quyền con người được nhà nước tôn trọng và bảo đảm, quyền lực nhà nước bị giới hạn và được kiểm soát.
Sau hơn 1 năm soạn thảo, qua nhiều cuộc họp với nhiều tranh luận khá gay cấn ngày 22.12.1947, Quốc hội lập hiến, với 453 phiếu thuận, 62 phiếu chống, 31 phiếu trắng đã thông qua Hiến pháp Italy năm 1947. Ngay sau đó Tổng thống Italy Erico de Nicola đã ký lệnh công bố Hiến pháp và Hiến pháp chính thức có hiệu lực vào ngày 1.1.1948.