Tỷ lệ giải ngân trong top đầu khu vực và cả nước
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn do tỉnh quản lý và phân bổ là hơn 29.329 tỷ đồng; đã phân khai chi tiết 28.852 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là khoảng 22.323 tỷ đồng để thực hiện đầu tư 204 chương trình, kế hoạch, dự án. Trong giai đoạn này, ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ cho cấp huyện khoảng 7.133 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 30,47% số vốn do tỉnh quản lý). Năm 2024, tổng số vốn đã bố trí để đầu tư các công trình là hơn 6.677 tỷ đồng, phấn đấu giải ngân cả năm đạt 100% kế hoạch.
Bên cạnh kết quả tích cực, báo cáo của UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác triển khai kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn cũng còn những khó khăn, hạn chế. Trong đó, một số đơn vị và địa phương chưa tập trung xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án về thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư. Mặt khác, tình trạng khan hiếm, thiếu nguyên vật liệu san lấp… cũng đang tác động không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn và tiến độ thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án.
Trao đổi với Đoàn giám sát, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết: để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Đồng thời, thành lập Tổ kiểm tra để theo dõi, quản lý các dự án sử dụng vốn đầu tư công; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng. Từ đó, thúc đẩy tỷ lệ giải ngân năm 2021 - 2023 cao nằm top đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước (đạt từ 78,8% đến 95,06%).
Nhìn chung, công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn được tăng cường, bảo đảm hoàn thành theo lộ trình đề ra. Vốn đầu tư công được bố trí đầu tư phát triển kinh tế; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh với nhiều kết quả tích cực.
Tăng cường quản lý đầu tư công ở từng cấp, từng ngành
Tại buổi giám sát, đại diện các chủ đầu tư được giao quản lý dự án, các sở, ngành liên quan đã giải trình làm rõ những nội dung Đoàn giám sát quan tâm như: tiến độ thực hiện; giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn kế hoạch giao; giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng; công tác xử lý, thu hồi các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ… Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan làm rõ một số nội dung liên quan đến các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai các công trình, dự án; nhất là tình trạng, một số đơn vị và địa phương chưa tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, giải phóng mặt bằng… gây ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Thắng nhấn mạnh, đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh khẩn trương rà soát tổng thể Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh; tăng cường quản lý hoạt động đầu tư công ở từng cấp, từng ngành, nhất là rà soát lại nhiệm vụ được giao, những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn. Các cấp, ngành, địa phương tập trung rà soát, chấn chỉnh hạn chế trong công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích, đồng thuận trong triển khai, thực hiện dự án…
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tập trung triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Trong đó, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư; giải quyết vấn đề khan hiếm nguyên vật liệu san lấp; chủ động trong phân khai, khắc phục việc phân bổ, sử dụng không hết vốn…