Sự trỗi dậy của nền kinh tế gig
Trong thế giới đầy bận rộn, sự tiện lợi mà người lao động sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để kiếm sống (lao động gig) mang lại đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Điều này càng đúng sau khi thế giới trải qua đại dịch Covid-19, khiến nhu cầu mua hàng hóa và nhu yếu phẩm trên các nền tảng trên ngày càng phát triển. Tuy nhiên, dù vai trò ngày càng được khẳng định, các lao động gig như người giao hàng, tài xế taxi, tài xế xe thuê tư nhân làm việc cho Grab, Gojek, Deliveroo hay Delivery Hero’s Foodpanda… thường xuyên phải đối mặt với rủi ro đáng kể, đồng thời thiếu nhiều phúc lợi cơ bản. Bởi họ thường không được ký hợp đồng cố định với các công ty như nhân viên chính thức, mà làm việc tự do tại nhà hoặc bất kỳ nơi đâu với thời gian linh hoạt và chỉ được trả phí khi hoàn thành công việc mà khách hàng yêu cầu.
Nhận thức được những thách thức đó, Singapore mong muốn đưa ra các biện pháp giúp tăng cường an toàn trong quá trình lao động và cung cấp các lựa chọn hưu trí cho người lao động gig.
Bà Lim Jia Ying, một đối tác tại WongPartnership, chia sẻ với tờ Singapore Business Review rằng, người lao động làm việc trong các nền tảng trực tuyến thuộc phân khúc “bấp bênh” của những người tự kinh doanh, do đó pháp luật nên cung cấp một số biện pháp bảo vệ cơ bản nhất định cho họ. Theo bà, không giống như người tự kinh doanh thông thường, lao động gig có ít quyền kiểm soát hơn đối với thu nhập và điều kiện làm việc của mình do sự kiểm soát của các nền tảng. Khi chi phí hoạt động tăng lên, họ không thể tăng giá và có thể phải tiêu hết tiền tiết kiệm của chính mình. Bà cũng nhấn mạnh đến những thách thức tài chính mà người lao động gig phải đối mặt, chẳng hạn như thu nhập khiêm tốn, mức tăng lương hạn chế và rủi ro tài chính do chấn thương khi làm việc vì thiếu bảo hiểm tai nạn lao động...
Tăng cường lợi ích và bảo vệ
Luật mới nếu thành hiện thực sẽ giúp đưa ra các thay đổi toàn diện nhằm giải quyết mối quan ngại lâu nay của người lao động gig. Họ sẽ được bảo hiểm theo hệ thống hưu trí quốc gia, đồng thời có thể nhận trợ cấp tai nạn lao động để chi trả các chi phí y tế, mất thu nhập và bồi thường một lần cho thương tật vĩnh viễn hoặc tử vong trong quá trình lao động.
Cụ thể, các công ty và người lao động trong nền kinh tế gig sẽ điều chỉnh các khoản đóng góp của họ vào Quỹ Phòng xa trung ương (CPF) phù hợp với khoản đóng góp của người sử dụng lao động và nhân viên truyền thống. Bên cạnh đó, lao động gig cũng sẽ được hưởng phạm vi và mức bồi thường thương tích lao động tương tự như lao động bình thường theo Luật Bồi thường thương tích lao động năm 2019.
Ngoài ra, một khuôn khổ mới sẽ cho phép những lao động hiện không thể thành lập công đoàn này, được đại diện qua các cơ quan đại diện cho người lao động nền tảng số (PWRB) có khả năng đàm phán vì lợi ích tập thể của họ.
Mặc dù lợi ích mới cho lao động gig sẽ làm tăng chi phí của công ty nền tảng, có khả năng dẫn đến giá dịch vụ cao hơn, nhưng Singapore vẫn quyết tâm lên kế hoạch thực hiện các thay đổi theo từng giai đoạn trong vòng 5 năm. Động thái dần dần này nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi cho người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp.