Theo www.zdnet.com, dự luật Chống tội phạm hình sự trực tuyến được trình lần đầu tiên tại Quốc hội Singapore hôm 8.5, phác thảo 5 hướng chính có thể được ban hành khi Chính phủ nghi ngờ “bất kỳ trang web, tài khoản trực tuyến hoặc hoạt động trực tuyến nào” được sử dụng cho các hoạt động lừa đảo hoặc độc hại.
Ví dụ, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có thể nhận được hướng dẫn để vô hiệu hóa nội dung xấu cụ thể, chẳng hạn như trang web hoặc bài đăng, bao gồm các bản sao của nội dung, để những nội dung này không thể xem được ở Singapore. Họ còn có thể được hướng dẫn để chặn quyền truy cập vào một URL. Ngoài ra, các cửa hàng ứng dụng cũng có thể được hướng dẫn xóa ứng dụng khỏi cửa hàng tại Singapore của họ để ngăn người dùng trong nước tải xuống thêm.
Theo Bộ Nội vụ Singapore, dự luật được đề xuất có thể được áp dụng đối với 9 loại tội phạm hình sự, bao gồm các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đánh bạc bất hợp pháp và các hoạt động kích động bạo lực.
Năm ngoái, Singapore đã ghi nhận 33.669 trường hợp lừa đảo và tội phạm mạng, cao hơn 25,2% so với năm 2021, với hơn 660,7 triệu SGD (496 triệu USD) bị mất vào tay những kẻ lừa đảo.
Bộ cho biết, dự luật mới sẽ cung cấp phương tiện để Chính phủ có hành động nhanh chóng chống lại nội dung trực tuyến có bản chất tội phạm hoặc được sử dụng để tiếp tay cho tội phạm và phá vỡ các hoạt động đó trước khi chúng có thể tác động xấu đến người dùng.
Dự luật cũng phác thảo các quy tắc thực hành có thể yêu cầu một số dịch vụ trực tuyến phải có các hệ thống và quy trình để ngăn chặn các hoạt động mạng độc hại, cũng như hỗ trợ các hành động thực thi chống lại các tội phạm mạng đó.
Nếu rủi ro của các hoạt động trực tuyến độc hại vẫn tồn tại trên dịch vụ trực tuyến được chỉ định, bất chấp quy tắc thực hành, nhà cung cấp dịch vụ có thể được ban hành các chỉ thị để thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro đó.
Theo Bộ Nội vụ, dự luật trên là một phần của một loạt luật nhằm bảo vệ Singapore khỏi các hoạt động trực tuyến có hại, đơn cử như Đạo luật Bảo vệ khỏi hành vi lừa dối và thao túng trực tuyến và Đạo luật can thiệp nước ngoài.
Đạo luật An toàn trực tuyến (sửa đổi) cũng có hiệu lực vào đầu năm nay, cho phép Chính phủ Singapore ban hành chỉ thị cho các nền tảng truyền thông xã hội để chặn quyền truy cập của người dân địa phương vào nội dung mà họ cho là “nghiêm trọng”. Luật cũng cho phép cắt quyền truy cập vào các trang truyền thông xã hội, nếu các nhà khai thác từ chối tuân thủ chỉ thị.