Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu Maros Sefcovic là một trong những quan chức thương mại nước ngoài đầu tiên đến Washington vào ngày 14.4 để đàm phán về mức thuế quan cao mà ông Trump đã công bố vào ngày 2.4. EU vốn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với gần kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 1 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, đã bị áp thuế quan "có đi có lại" lên tới 20%.

Nhưng khi ông Sefcovic có mặt ở Washington, nhà đàm phán thuế quan hàng đầu của ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, lại không có mặt ở Washington. Bởi trong thời gian này, ông Bessent sẽ đến Buenos Aires để thể hiện sự ủng hộ đối với các cải cách kinh tế của Argentina, mặc dù quốc gia Nam Mỹ này chỉ chiếm 16,3 tỷ USD trong tổng kim ngạch thương mại hàng năm với Mỹ.
Việc Bộ trưởng Bessent vắng mặt trong các cuộc tiếp nhà đàm phán EU khiến các chuyên gia thương mại đặt dấu hỏi liệu chính quyền có thể quản lý hiệu quả như thế nào đối với nhiều cuộc đàm phán đồng thời như vậy, và triển vọng chung về việc đạt được 90 thỏa thuận trong 90 ngày.
"Việc đưa ra những quyết định này sẽ cần một số cuộc đàm phán nghiêm túc", bà Wendy Cutler, cựu trưởng đoàn đàm phán của Đại diện Thương mại Mỹ, người đứng đầu Viện Chính sách của Hiệp hội châu Á, cho biết.
"Không có cách nào trong khung thời gian này chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện với tất cả các quốc gia".
Tuy nhiên, trước đó, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro khẳng định trên Fox Business Network rằng Bộ trưởng Tài chính Bessent, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick có thể hoàn thành công việc. "Chúng tôi sẽ thúc đẩy đàm phán trong 90 ngày. Điều đó là có thể", ông Navarro nói, nhấn mạnh rằng người quyết định cuối cùng là Tổng thống Trump. "Không có gì được thực hiện mà không có sự cân nhắc rất kỹ lưỡng của ông ấy", vị cố vấn nói.
Ông Trump đã bắt đầu đếm ngược 90 ngày từ ngày 9.4 khi ông tạm hoãn thực hiện mức thuế quan cao hơn đối với nhiều quốc gia sau khi thị trường tài chính lao dốc vì lo ngại về suy thoái và lạm phát, cùng với các yếu tố khác.
Tổng thống Mỹ cho biết, lệnh tạm dừng 90 ngày sẽ cho phép các quốc gia đạt được các thỏa thuận song phương với Mỹ.
Lấy lại niềm tin của thị trường tài chính là một mục tiêu quan trọng khác trong 90 ngày này khi trước đó mối đe dọa thuế quan đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến lãi suất tăng vọt và khiến đồng USD giảm trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và lạm phát gia tăng trở lại. Vàng, nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng, đã đạt mức cao kỷ lục.
Bà Cutler cho biết tình trạng hỗn loạn này sẽ gây áp lực lên nhóm của ông Trump để giành được một số chiến thắng nhanh chóng.
"Nhóm của Tổng thống sẽ đứng trước áp lực để chứng minh rằng họ có thể nhanh chóng ký kết các thỏa thuận với các quốc gia và tạo dựng niềm tin cho thị trường và các đối tác thương mại khác rằng có một lối thoát ở đây", bà nói. Việc đạt được các thỏa thuận thương mại làm hài lòng cả ông Trump và thị trường tài chính là một "nhiệm vụ rất lớn", vị chuyên gia chỉ ra.
Thay vào đó, nhóm của ông Trump có thể sẽ phải ưu tiên các quốc gia quan trọng và gia hạn lệnh tạm dừng 90 ngày cho các quốc gia khác, bà cho biết.
Trong bình luận mới nhất liên quan đến thuế quan, Tổng thống Trump hôm 13.4 tuyên bố không quốc gia nào "thoát khỏi" cái mà ông gọi là cán cân thương mại không công bằng.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ công bố hướng dẫn, nói rằng điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị điện tử khác được miễn "thuế quan đối ứng”.
Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Stephen Miller sau đó đã đăng trên X, giải thích rằng những sản phẩm này vẫn "phải chịu mức thuế quan theo tuyên bố ban đầu đối với Trung Quốc là 20%". Vị cố vấn đang ám chỉ đến lệnh của Tổng thống Mỹ về việc tính thuế đối với Canada, Mexico và Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng fetanyl.