Theo Báo cáo về việc và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 trình UBTVQH tại Phiên chất vấn đối với lĩnh vực nội vụ tại Phiên họp thứ 36.
Đối với việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, tính đến tháng 3.2024, ở cấp huyện đã giải quyết được 648/706 người (đạt 91,78%), ở cấp xã đã giải quyết được 8.289/9.694 người (đạt 85,51%). Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính đã được giải quyết xong.
Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp, thì vẫn còn số lượng tương đối lớn cán bộ, công chức dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách, chưa bảo đảm đúng yêu cầu của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, trong Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 yêu cầu: “Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định”. Theo đó, số lượng cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58/706 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405/9.694 người (chiếm 14,49%).
Về rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và phân loại đô thị sau khi thực hiện sắp xếp, kết quả thực hiện còn rất thấp so với yêu cầu. Vẫn còn 5/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị (chiếm 83,33%) và 6/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được phân loại đô thị và chưa tổ chức lập, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị (100%); 43/152 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị (chiếm 28,29%) và 58/104 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phân loại đô thị (chiếm 55,77%).
Liên quan đếnviệc rà soát, đánh giá, xác định các chế độ, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp và giải quyết những vấn đề phát sinh, trong báo cáo nêu rõ, các chế độ, chính sách đặc thù áp dụng đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 đã được rà soát, hoàn thiện. Đến nay, các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 đã thực hiện việc rà soát, công nhận áp dụng các chính sách đặc thù theo quy định.
Về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, kết quả cho thấy, việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 hiệu quả chưa cao. Vẫn còn 52/109 trụ sở cấp huyện dôi dư (chiếm 47,71%) và 297/755 trụ sở cấp xã dôi dư (chiếm 39,34%) chưa được xử lý. Việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP) chưa bảo đảm tiến độ đề ra.
Việc tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đạt nhiều kết quả tích cực. Các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã được nắm bắt, giải quyết theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
[1] Chính phủ đã có Tờ trình số 216/TTr-CP ngày 04/5/2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét, giải quyết theo thẩm quyền một số vướng mắc, khó khăn khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.