Bảo đảm căn cứ pháp lý thực hiện
Trước hết, việc xác định số lượng đại biểu HĐND được quy định tại Khoản 5, Điều 27 của dự thảo luật, nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND. Để bảo đảm tính ổn định và thuận lợi cho công tác tổ chức, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “việc xác định” vào Khoản 5, cụ thể như sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc xác định số lượng đại biểu HĐND; trên cơ sở đó, đề nghị bổ sung quy định Thường trực HĐND khóa trước xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu của đơn vị hành chính cùng cấp.
Một vấn đề thu hút quan tâm của nhiều địa phương là về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được quy định tại Khoản 14, Điều 28. So với Luật 2015, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định những nhiệm vụ để Thường trực HĐND quyết định một số vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp. Cụ thể, trong thời gian HĐND không họp, Thường trực HĐND được quyết định các nội dung sau đây và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. a) Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. b) điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hàng năm.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một vấn đề rất đúng và trúng; tuy nhiên, để có căn cứ pháp lý thực hiện, đại biểu đề nghị dự thảo bổ sung quy định trình tự giải quyết những công việc được ủy quyền này. Trong trường hợp không quy định trong luật, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn cụ thể. Cũng có ý kiến cho rằng, Khoản 14, Điều 28, thẩm quyền của Thường trực HĐND chỉ quy định một số trường hợp về thiên tai, bão lụt và khẩn cấp khác, cần mở rộng thêm một số nhiệm vụ đột xuất khác vì không thể ghi hết được những tình huống đột xuất, Thường trực HĐND giải quyết và báo cáo với HĐND tại phiên họp gần nhất.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND tại Điều 30, đối với nội dung quyền chất vấn của đại biểu HĐND tại khoản 5, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chủ thể chịu sự chất vấn ngoài Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, còn có Cục Trưởng Cục thi hành án dân sự. Vì theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, cơ quan và Thủ trưởng Cục thi hành án dân sự thuộc chủ thể chịu sự giám sát. Tương tự như vậy, cần bổ sung chủ thể này vào nhiệm vụ, quyền hạn chất vấn của đại biểu HĐND cho đồng bộ.
Điều 32 về phiên họp của Thường trực HĐND. Khoản 5, Điều 106 luật hiện hành quy định Trưởng, Phó đoàn ĐBQH được mời dự phiên họp của HĐND cấp tỉnh, trong dự thảo luật sửa đổi không có. Thực tiễn ở địa phương hiện nay, sự phối hợp giữa Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND rất chặt chẽ để thống nhất trong các nội dung thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, giúp cho đoàn đại biểu nắm được những nội dung thực tiễn để hoạt động hiệu quả. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên giữ nguyên.
Tránh sự tùy nghi cá nhân
Điều 33 về bầu các chức danh của HĐND và UBND, khoản 2 quy định về các chức danh HĐND có quy định: phiên thứ Nhất bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Trưởng ban, Phó ban của HĐND; và quy định trong số những đại biểu HĐND. Tuy nhiên, trong bầu các chức danh của UBND gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban và các thành viên Ủy ban thì trong luật hiện hành quy định phiên đầu tiên phải là đại biểu HĐND, Điều 33 dự thảo luật sửa đổi không quy định bầu phiên đầu tiên, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch có nhất thiết phải là đại biểu HĐND hay không. Vấn đề này cần phải quy định rất rõ.
Điểm b Khoản 1 Điều 35 dự thảo luật quy định: HĐND xem xét quy định cho thôi làm nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND trong trường hợp theo đề nghị của đại biểu HĐND vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "chính đáng" vào nội dung trên như sau: "theo đề nghị của đại biểu HĐND vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do chính đáng khác”. Mục đích để tránh sự tùy nghi cá nhân, ảnh hưởng đến hoạt động chung của tổ chức, đề phòng trường hợp vì lợi ích nhóm mà một nhóm đại biểu xin thôi làm nhiệm vụ.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã điều chỉnh, bổ sung thẩm quyền của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND thể hiện ở các Điều 5, 16, 19, 22 và các điều ở mục 1 Chương V từ Điều 27 đến Điều 35. Để tạo tính đồng bộ, thống nhất, thể hiện rõ tinh thần hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, vai trò của HĐND, có ý kiến đề nghị cập nhật đầy đủ, kịp thời thẩm quyền của HĐND trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhất là pháp luật về tài chính, ngân sách và đầu tư.