Qua nghiên cứu dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP) 2025 (sửa đổi) Chính phủ mới trình Quốc hội XV, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín ngày 12.2.2025, Điều 2 quy định: Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Như vậy, các cấp chính quyền địa phương đều tổ chức HĐND, bỏ đề xuất không tổ chức HĐND ở quận; phường và xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương như dự thảo trước đó.

Thiết nghĩ, với quan niệm khoa học quản lý công về tổ chức như một “cỗ máy”, một “cơ thể sống”, một “bộ não”, một “hệ thống có tính chính trị”... bất cứ sự thay đổi nào dù là nhỏ nhất trong thiết kế mô hình TCCQĐP cũng phải có thời gian đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và thực tiễn khách quan. Xin nêu mấy ý kiến góp ý.
Tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực
Dự thảo quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm; quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương; quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp để phát triển các lĩnh vực tài chính, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đất đai, tài nguyên, môi trường, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, hành chính tư pháp, nội vụ, lao động, ngoại vụ, văn hóa, thông tin, du lịch, thể dục thể thao của địa phương theo quy định của pháp luật. HĐND cấp huyện có thẩm quyền quyết định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển đô thị, hạ tầng đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm xây dựng để trình HĐND cùng cấp xem xét ban hành cơ chế, chính sách chứ không có thẩm quyền quyết định cơ chế, chính sách, trừ những lĩnh vực được luật chuyên ngành phân cấp trong luật hoặc được Thủ tướng ủy quyền.
Với các quy định trên, HĐND được phân quyền, phân cấp đi đôi trách nhiệm lớn, các cơ chế, chính sách đều do HĐND quyết định. Để tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của UBND khi trình đề án chính sách, cơ chế; trách nhiệm các Ban HĐND khi thẩm tra; trách nhiệm của mỗi cá nhân đại biểu HĐND phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi biểu quyết. Đề nghị dự thảo luật nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm pháp lý tương xứng của UBND, các Ban HĐND, của cá nhân đại biểu HĐND; quyền được bảo lưu ý kiến cá nhân và không chịu trách nhiệm pháp lý khi có hậu quả pháp lý xấu.
Đưa ra HĐND bầu trước khi bổ nhiệm
Dư luận ủng hộ mạnh mẽ việc tăng thêm quyền hạn, trách nhiệm cho Thường trực HĐND làm cơ sở tăng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Không phải ngẫu nhiên Thường trực HĐND được xác định là “cơ quan thường trực của HĐND” kể từ Luật TCCQĐP 2015. Trước đó, Thường trực HĐND chỉ là “bộ phận thường trực”, không phải cơ quan nhà nước. Xét về lý luận khoa học tổ chức nhà nước và nội hàm của nó thì “cơ quan nhà nước” có tính độc lập tương đối, có trách nhiệm tham gia thực hiện các chức năng của Nhà nước, thay mặt Nhà nước đảm nhiệm một phần hay một công việc, một nhiệm vụ, được trao thẩm quyền nhất định. Đó là một loại quyền lực chính trị đặc biệt - quyền lực pháp lý - để làm phương tiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
Trong đó, quyền ban hành quyết định pháp luật là yếu tố quan trọng nhất trong thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Đây là đặc trưng cơ bản để phân biệt cơ quan Thường trực HĐND của HĐND với “bộ phận thường trực” của HĐND trước đây. Đề nghị nghiên cứu bổ sung quyền hạn Phó Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách trong các trường hợp Ủy viên Thường trực là Trưởng ban không thể thực hiện nhiệm vụ do lý do đột xuất.
Về bầu các chức danh của HĐND, UBND, đề nghị nghiên cứu chế định “Tại kỳ họp thứ Nhất” đối với việc bầu các chức danh của HĐND và các chức danh của UBND. Bổ sung quy định trong nhiệm kỳ, nếu có thay đổi chức danh Ủy viên UBND là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thì phải đưa ra HĐND bầu trước khi bổ nhiệm, để tăng cường trách nhiệm của HĐND trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước đối với cán bộ; tránh tình trạng UBND bổ nhiệm trước rồi mới đưa ra HĐND bầu chức danh Ủy viên UBND để “hợp thức hóa”, đặt HĐND vào “sự đã rồi”, làm giảm uy tín pháp lý của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.