Giám sát thực địa, khảo sát đối tượng liên quan
Theo đó, đối với các cuộc giám sát chuyên đề, nội dung giám sát nên tập trung vào những vấn đề đang có “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn của tỉnh; đặc biệt là những khó khăn, bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và các vấn đề cử tri quan tâm.

Đoàn giám sát tìm hiểu, nắm chắc các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung giám sát; đồng thời, bám sát thực tiễn, những vấn đề cần quan tâm để xây dựng kế hoạch, đề cương, yêu cầu báo cáo rõ ràng, cụ thể, chi tiết (càng chi tiết càng tốt). Nhất là những vấn đề cử tri quan tâm, yêu cầu đối tượng được giám sát báo cáo làm rõ. Để đạt hiệu quả cao, cần tăng cường giám sát tại thực địa, khảo sát đối tượng liên quan, kiểm chứng thực tế, nghiên cứu hồ sơ, lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện giám sát trực tiếp...
Cùng với báo cáo, kết luận giám sát ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề cần quan tâm, kiến nghị rõ các biện pháp, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; các nội dung đối tượng giám sát không thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Đối với giám sát thường xuyên thuộc lĩnh vực phụ trách của mỗi Ban HĐND, nên giám sát toàn diện các lĩnh vực thuộc ban phụ trách, ngoài những nội dung trên (xây dựng kế hoạch, đề cương, nghiên cứu báo cáo…), cần có phương pháp theo dõi, tổng hợp lũy kế các kết quả thực hiện theo tiến trình thời gian trong năm, đánh giá thường xuyên tiến độ thực hiện và so sánh cùng kỳ năm trước để kịp thời phát hiện, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ năm kế hoạch. Các Ban HĐND lựa chọn vấn đề “nóng”, “nổi cộm” được cử tri và Nhân dân quan tâm để giám sát hằng tháng, báo cáo tại phiên họp Thường trực HĐND.
Lắng nghe để phát hiện kịp thời khó khăn, vướng mắc
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ, theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Tuyên Quang, cần nâng cao năng lực công tác của mỗi cá nhân; kịp thời cập nhật những chính sách, quy định mới của pháp luật để áp dụng vào thực tiễn của địa phương, được cụ thể hóa bằng nghị quyết của HĐND; thường xuyên cập nhật, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực được giao tại địa bàn để có kết quả tổng hợp phục vụ cho công tác giám sát, khảo sát theo kế hoạch.
Qua giám sát, các Ban HĐND tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện một số hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh và kịp thời kiến nghị khắc phục. Cụ thể, việc chậm thực hiện các dự án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm; công tác quản lý, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, việc xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại địa bàn; thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng; các Chương trình mục tiêu quốc gia đối với những nội dung còn vướng mắc, những nội dung giải ngân vốn chậm; quản lý thi công các công trình xây dựng của Nhân dân tại địa bàn; nạn tảo hôn và sinh con ở tuổi vị thành niên; việc chậm thực hiện các dự án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Chương trình, kế hoạch giám sát cần được xây dựng chi tiết, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung giám sát; địa điểm, thời gian đến giám sát phải được tính toán phù hợp với từng địa bàn, từng cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm sự chủ động cho cơ quan giám sát và các đơn vị được giám sát; đồng thời, việc tăng cường phối hợp trong hoạt động giám sát sẽ tạo điều kiện cho các đại biểu HĐND trao đổi kiến thức, kinh nghiệm hoạt động. Để mỗi cuộc giám sát thực sự chất lượng và đạt hiệu quả, lực lượng giám sát phải đủ mạnh, có sự tham gia tích cực của thành viên các Ban HĐND và đại biểu HĐND ở cơ sở. Đối với các chuyên đề giám sát, rất cần có sự cộng tác của các cán bộ, chuyên viên am hiểu sâu về từng lĩnh vực, giúp Đoàn giám sát đưa ra được những ý kiến, kiến nghị chính xác, phù hợp.
Báo cáo kết quả sau mỗi đợt giám sát được chuẩn bị chu đáo, tập trung được trí tuệ của các thành viên tham gia giám sát; khi phân tích, đánh giá vấn đề đã giám sát bảo đảm nguyên tắc chính xác, đầy đủ, khách quan, chỉ rõ những kết quả, tồn tại, nêu rõ nguyên nhân; qua đó có những kiến nghị, đề xuất xác đáng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Kiến nghị sau giám sát của Đoàn giám sát báo cáo Thường trực HĐND, HĐND và được tổng hợp, cập nhật, theo dõi thường xuyên việc tiếp thu, giải quyết của các đơn vị được giám sát.
Cùng với đó, cần quan tâm nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, giúp việc. Thường xuyên rà soát, lắng nghe ý kiến của công chức, viên chức và Nhân dân để phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách, nhất là đối với các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân, từ đó báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết trong thời gian sớm nhất.