Nhiều điểm sáng sau 3 năm thực hiện
Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ quan trọng để các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương quyết tâm xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh trở thành một trong bốn trụ cột của nền kinh tế, giữ vai trò là "trụ đỡ" duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Qua 3 năm triển khai với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của Nhân dân, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU đã đạt được những kết quả quan trọng.
![Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Vũ Xuân Cường tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: laocai.gov.vn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Vũ Xuân Cường tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh cho 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: laocai.gov.vn](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/8f5a8bf837edc67493f6405990417d5fbdfcef26b17587e4710ff056e6b7ea2068a253ef8f6ff8e98ae864d6fd72bf6d/dsc-7151.jpg)
Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26.8.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau 3 năm thực hiện, giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực đạt 5.510 tỷ đồng, tương đương 11.470 tỷ đồng. Các địa phương đã chuyển đổi 7.100ha đất sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các cây trồng chủ lực. Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 8.598ha chè, 2.350ha chuối, 2.359ha dứa, 4.325ha cây dược liệu, 60.800ha quế, 119.000ha kinh tế đồi rừng; chăn nuôi lợn đạt 550.000 con. Các ngành hàng tiềm năng có sự phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế cao...
Qua giám sát, HĐND tỉnh chỉ rõ, Lào Cai là một trong những tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao; trình độ dân trí không đồng đều, mức sống của người dân còn chênh lệch khá lớn. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp khó lường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sản xuất của Nhân dân, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện một số nội dung của Nghị quyết.
Đồng thời, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng cơ sở chưa quan tâm sâu sát; một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động trong công tác phối hợp; công tác chỉ đạo rà soát, lựa chọn phát triển một số sản phẩm chủ lực, tiềm năng chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô còn nhỏ, sản lượng và giá trị sản xuất thấp; Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng còn hạn chế. Việc thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và việc tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển nông nghiệp cũng như hỗ trợ của các dự án cũng còn gặp nhiều khó khăn...
Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo
Để thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết 10-NQ/TU, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, nhất là người đứng đầu; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện; hàng năm rà soát, đánh giá cụ thể các mục tiêu Nghị quyết 10-NQ/TU trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cây trồng chủ lực, tiềm năng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; phát huy vai trò giám sát và phản biện của MTTQ và các đoàn thể, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
![Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc cây quế tại huyện Si Ma Cai. Ảnh: laocai.gov.vn Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc cây quế tại huyện Si Ma Cai. Ảnh: laocai.gov.vn](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/8f5a8bf837edc67493f6405990417d5f6c3bff6b4cf4609a886b6490e163d8f5ceb16e0831564c391b0066fb1b7b1394/045758ca4818e746be09.jpg)
Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường liên kết vùng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu, sản phẩm của các địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý tổ hợp tác, HTX. Cùng với đó, tiếp tục thu hút và kêu gọi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp.
UBND tỉnh cũng cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại các địa phương, tập trung chỉ đạo giải quyết các vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đo đạc, quy chủ rừng. Quan tâm bố trí nguồn nhân lực có chuyên môn về nông nghiệp tại các địa phương; tập trung đào tạo lao động nông thôn đáp ứng với sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ làm cán bộ khuyến nông cơ sở. Rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực phát triển nông, lâm nghiệp để đề xuất trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành mới nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, xem xét ban hành bổ sung cơ chế thu hút đầu tư để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Lào Cai. Tập trung chỉ đạo thực hiện giải ngân nguồn vốn Trung ương đã phân bổ, quan tâm bố trí thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn...