Trách nhiệm với kiến nghị của cử tri
Từ đầu nhiệm kỳ 2021- 2026 đến nay, hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh.
![Cử tri xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang kiến nghị trong một cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử 3 cấp. Ảnh: Trang Tâm Cử tri xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang kiến nghị trong một cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử 3 cấp. Ảnh: Trang Tâm](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/56a756867631bd8077f2131985728b2abf30162c88d3e9fb9a71898b81b161af/2.jpg)
Để việc tiếp thu, xem xét, giải quyết kiến nghị cử tri kịp thời, thấu đáo, ngay từ đầu năm HĐND, tỉnh đã ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, kế hoạch, đề cương giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Hằng tháng, Thường trực HĐND tỉnh đều chỉ đạo Đoàn giám sát lựa chọn kiến nghị cử tri để giám sát, phân công Đoàn giám sát, các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát, báo cáo tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh.
Năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức giám sát trực tiếp việc giải quyết 21 kiến nghị của cử tri tại địa bàn cử tri có ý kiến, kiến nghị. Qua giám sát cho thấy, nhiều kiến nghị được xem xét, giải quyết triệt để, được cử tri đánh giá cao, đáp ứng mong đợi của cử tri. Tuy nhiên, còn có kiến nghị chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm, thời gian giải quyết kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân. Sau khi được Thường trực HĐND tỉnh giám sát, cơ bản các kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, kết quả giải quyết được cử tri đồng tình, đánh giá cao. Qua đó, cử tri và Nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, tin tưởng vào hoạt động của HĐND tỉnh.
Tại các kỳ họp thường lệ, HĐND tỉnh thực hiện nghiêm túc, có chất lượng việc xem xét báo cáo giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Việc xem xét báo cáo được bố trí bảo đảm về thời gian, thực hiện đúng trình tự, được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang điện tử, Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Nội dung báo cáo toàn diện, thẳng thắn, chỉ rõ hạn chế, nguyên nhân hạn chế, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; kiến nghị cụ thể giải pháp để thực hiện có hiệu quả việc giải quyết, trả lời kiến nghị chính đáng của cử tri theo quy định của pháp luật. Nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri được đại biểu thông qua với tỷ lệ biểu quyết cao, thể hiện trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh đối với các kiến nghị của cử tri toàn tỉnh.
Phát huy vai trò của Tổ đại biểu, đại biểu
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua theo dõi, giám sát hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã cho thấy, HĐND một số đơn vị chỉ xem xét báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp mà chưa trình HĐND xem xét, ban hành nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo quy định.
![Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại thành phố Tuyên Quang giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại xã Kim Phú. Ảnh: T. Nam Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại thành phố Tuyên Quang giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại xã Kim Phú. Ảnh: T. Nam](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/56a756867631bd8077f2131985728b2a0e546fa66f90f9ff3763d84300baecd25a84ccedfe722b71135366c523369ebf/hqg3.jpg)
Nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của HĐND các cấp tỉnh Tuyên Quang, theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, hằng tháng, Thường trực HĐND cần đánh giá tình hình kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn, lựa chọn nội dung cử tri kiến nghị để chỉ đạo, phân công giám sát trực tiếp. Khi lựa chọn kiến nghị của cử tri để giám sát, cần lựa chọn những kiến nghị của cử tri mang tính cấp thiết, kiến nghị được phản ánh nhiều lần, kiến nghị được cử tri nhiều nơi quan tâm, kiến nghị được trả lời chung chung chưa rõ ràng, kiến nghị chưa được giải quyết do yếu tố chủ quan, khách quan... Sau khi lựa chọn được nội dung giám sát, xác định hình thức giám sát, phân công tổ chức, cá nhân chủ trì tổ chức giám sát (Thường trực, Ban của HĐND, Tổ đại biểu). Quá trình giám sát phải sâu, thấu đáo, có phân tích, đánh giá rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân hạn chế, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Cùng với đó, phát huy vai trò của Tổ đại biểu, đại biểu trong việc theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, kịp thời phản ánh, đề xuất với Thường trực HĐND giám sát, nhất là các kiến nghị cử tri đã kiến nghị nhiều lần, kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết gây bức xúc trong nhân dân. Thực hiện nghiêm túc quy định tại khoản 4 Điều 74 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (Thường trực HĐND chỉ đạo xây dựng báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và dự thảo nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình HĐND cùng cấp).