Rà soát, phân loại lại công trình quốc phòng và khu quân sự còn xen kẽ
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Cùng với đó, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Do đó, nhiều nội dung quy định không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Đặc biệt, từ năm 1995 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân cần được tiếp tục thể chế hóa, như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22.9.2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 3.10.2011 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22.9.2008 xác định: Quan tâm đầu tư ngân sách xây dựng sở chỉ huy, các công trình trong khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ hậu cần, kỹ thuật bảo đảm cơ bản, vững chắc...
Tuy nhiên, qua xem xét đánh giá tác động chính sách của dự án Luật trình Quốc hội lần này, ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) nêu vấn đề, hiện nay nhiều điểm đất quốc phòng chưa có quyết định vị trí, trong đó chủ yếu là các điểm đất lô cốt cũ, hầm cáp thông tin, các điểm mốc, diện tích nhỏ, nằm xen kẹp trong các khu dân cư… Như vậy, trên thực tế đang có nhiều công trình quốc phòng và khu quân sự nằm đan xen trong các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp..., trong đó có những công trình do lịch sử để lại hoặc trước đó hoàn toàn không vi phạm pháp luật về xây dựng, đất đai, quy hoạch... Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị, Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các địa phương, rà soát, phân loại thật kỹ các công trình quốc phòng và khu quân sự xen kẽ trong khu dân cư, đô thị du lịch và khu công nghiệp.
Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài… Khẳng định điều này, các đại biểu đồng tình với những quy định về phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 16).
Theo ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang), quy định này nhằm bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan; giúp chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt ở trong phạm vi công trình quốc phòng và khu quân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân theo quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của quy định này, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị, cần xác định rõ các khu vực công trình quốc phòng, khu quân sự phải bảo đảm đủ các yếu tố trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không; quy định cụ thể hơn để xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, chuyển đổi mục đích sử dụng, di dời, phá dỡ công trình... bảo đảm đồng bộ, tương thích với các luật có liên quan khác (như Luật Quốc phòng, Luật An ninh Quốc gia, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đất đai...), bảo đảm tính khả thi.