Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi):

Bảo đảm tính bao quát, không gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân

- Thứ Hai, 03/06/2024, 16:31 - Chia sẻ

Xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cần bảo đảm tính bao quát, nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác; đồng thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. 

Khái niệm "vũ khí thô sơ" cần mang tính bao quát hơn

Đánh giá cao dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ nhằm giải thích các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang (Đồng Nai) nêu rõ, đây là điểm mấu chốt nhằm hoàn thiện hơn các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Bảo đảm tính bao quát, không gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân -0
ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo đại biểu, việc hoàn thiện các khái niệm này nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu rất cấp bách về phòng, chống tội phạm, quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự; nâng cao tính răn đe của pháp luật nhằm xây dựng xã hội kỷ luật, kỷ cương, an ninh, an toàn; đồng thời, góp phần kéo giảm tỷ lệ tội phạm và giảm hậu quả của loại tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gây ra. Đại biểu cũng cho rằng, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, thì phòng ngừa là quan trọng nhất; trong phòng ngừa, thì quan trọng nhất là đẩy lùi, kéo giảm nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm. Do đó, việc dự thảo luật bổ sung các khái niệm như “dao có tính sát thương cao” vào nhóm vũ khí thô sơ, bổ sung các loại “súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi” vào nhóm vũ khí quân dụng… là phù hợp.

Bảo đảm tính bao quát, không gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân -0
ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Góp ý với phần giải thích từ ngữ, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu vấn đề, tại điểm a, khoản 11, Điều 3 dự thảo Luật giải thích khái niệm “công cụ hỗ trợ như sau: các loại súng công cụ hỗ trợ, dùi cui, phương tiện khác hoặc động vật nghiệp vụ được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành”. Nhưng quy định này lại có nhiều điểm chồng lấn với quy định về “vũ khí quân dụng” tại điểm b, khoản 2, Điều 3 dự thảo Luật. Việc không phân biệt rõ hai khái niệm này sẽ dễ dẫn tới việc xác định, áp dụng chính sách quản lý đối với vũ khí và công cụ hỗ trợ gặp khó khăn. Lưu ý điều này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ quy định về hai khái niệm để bảo đảm tính khả thi.

Khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật giải thích từ ngữ “vũ khí thô sơ”, trong đó đưa những phương tiện, công cụ mà Điều 134 của Bộ luật Hình sự quy định về “Tội cố ý gây thương tích” gọi là “hung khí nguy hiểm” vào khái niệm “vũ khí thô sơ”. Việc này nếu được thông qua sẽ tác động rất lớn, có thể gây nhiều thay đổi trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến phải hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung một số luật, bộ luật, văn bản dưới luật.

Quy định “dao có tính sát thương cao” cần phù hợp với thực tiễn cuộc sống
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nêu vấn đề trên, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, việc xác định vũ khí thô sơ còn nhiều bất cập, vì đang đi theo hướng liệt kê, dễ bỏ sót các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác trong thực tiễn. Nếu giải thích khái niệm bằng phương thức liệt kê, thì cần liệt kê đầy đủ hơn, ít nhất là những loại vũ khí phổ thông, thường thấy. Mặt khác, khái niệm về vũ khí thô sơ có ảnh hưởng đến quyền phòng bị chính đáng của người dân trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị, cần nghiên cứu, cân nhắc lại theo hướng khái niệm "vũ khí thô sơ" mang tính bao quát hơn, cụ thể nhằm tạo thuận tiện cho công tác quản lý và phân loại vũ khí khi luật áp dụng vào thực tiễn, đồng thời, bảo đảm thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Cần nghiêm cấm hành vi cố tình không nộp lại vũ khí, vật liệu nổ cho cơ quan quản lý

Với quy định về các hành vi nghiêm cấm, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật hiện hành, đồng thời bổ sung một số nội dung nghiêm cấm như: mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đến nơi công cộng; quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng...

Góp ý với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu thực tế, trong giải quyết các vụ án hình sự, có nhiều hành vi vi phạm của những người được giao quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi họ chuyển công tác không còn liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc khi về hưu nhưng cố tình không nộp lại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý, dẫn đến việc những đối tượng này sử dụng hoặc để người khác sử dụng. Do đó, đại biểu đề nghị, cần bổ sung hành vi bị cấm trong Điều 5 dự thảo Luật là nghiêm cấm việc không trao trả cho cơ quan quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại giấy phép và các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định rõ hơn việc nghiêm cấm người dân không được thu gom phế liệu và sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu đổ. Việc xử lý, tiêu hủy các loại vũ khí quân dụng, vật liệu nổ chỉ được giao cho các tổ chức có đủ các điều kiện kỹ thuật và khả năng tiêu hủy các loại phế liệu đặc biệt nguy hiểm này.

Quy định về nội dung này tại các khoản 8, 9, 10, 11 của Điều 5 dự thảo Luật đã liệt kê hàng loạt các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ như: trao đổi, cho, tặng, viện trợ, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy, chiếm đoạt, mua, bán… Đối chiếu với thực tế, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, những hành vi được liệt kê nêu trên đa phần xuất phát từ hành vi của hai bên đối tượng là: người mua - người bán, trao đổi, mượn - cho mượn. Do đó, ngoài việc cấm hành vi “cầm cố” cần bổ sung hành vi “nhận cầm cố”; bên cạnh việc cấm hành vi “cho, tặng, viện trợ, gửi”, cần bổ sung hành vi “nhận cho, nhận tặng, nhận viện trợ, nhận gửi” để có chế tài bao quát hết các đối tượng có hành vi vi phạm, tăng tính phòng, ngừa, răn đe tội phạm.

Cơ bản đánh giá cao nội dung dự thảo Luật, song nhiều đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bảo đảm các quy định mang tính bao quát hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khả thi, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đồng thời không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Nhật An
#