“Người dân nuôi chó, mèo khi đưa ra khu vực công cộng phải đeo rọ mõm, có người chăn dắt; yêu cầu chủ hộ nuôi thực hiện cam kết chấp hành quy định về phòng, chống bệnh dại”. Đây là thông điệp tuyên truyền đang được phát hàng ngày và tích cực phổ biến tại xã Hòa Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) trong thời gian gần đây, nơi có tổng đàn chó khoảng trên 180 con. Đặc biệt, khi tình hình bệnh dại diễn biến ngày một phức tạp, công tác tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh hơn cả.
Trưởng Ban Thú y xã Hòa Trạch Nguyễn Thị Lệ Thúy cho biết, công tác tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo tại địa phương đã được triển khai tại 6/6 thôn xóm từ đầu năm nay. “Cán bộ thú y đã đi từng nhà để tiêm vaccine phòng dại chó. Ngoài ra, công tác rà soát, tiêm bổ sung vaccine phòng dại cho những hộ nuôi mới phát sinh cũng được triển khai thường xuyên”, Trưởng Ban Thú y xã Hòa Trạch cho biết.
Được biết, tại xã Hòa Trạch, việc triển khai tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm và đàn chó được phối hợp thực hiện, với vai trò chủ chốt của lực lượng cán bộ thú y xã, cùng cán bộ công chức, chi hội trưởng, Ban mặt trận của các thôn, đi đến từng nhà dân để tiêm phòng. Công tác thực hiện với tiêu chí tuyệt đối không bỏ sót, tránh lây lan giữa các con vật.
“Địa phương đã thống kê đầy đủ, chính xác số hộ nuôi chó, mèo, tổng đàn chó, mèo hàng năm. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền, lồng ghép vào cuộc họp, hội nghị, trên hệ thống phát thanh thôn, xóm về dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng bệnh dại cho động vật, cũng được tăng cường. Các đơn vị cũng kiên quyết xử lý nghiêm những chủ hộ nuôi chó, mèo không chấp hành các quy định trong phòng bệnh dại theo quy định”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch Dương Viết Trường cho biết.
Tỉnh Quảng Bình hiện có tổng đàn chó khoảng trên 71.000 con. Năm 2023, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại trên chó chỉ đạt 1/3 tổng đàn (gần 32%), và đạt 41,8% kế hoạch đề ra. Năm 2024, tỉnh Quảng Bình phấn đấu tiêm 60.000 liều phòng dại trên đàn chó; hiện nhiều địa phương trong tỉnh đang tiến hành tiêm đợt một.
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 7 trường hợp người tử vong do bệnh dại trên động vật, chủ yếu do chó cắn. Mặc dù nguyên nhân chưa ghi nhận trường hợp chó mắc bệnh dại là do sau khi cắn người, đa số bị đánh chết, người dân không thông báo với chính quyền địa phương, cơ quan thú y biết để theo dõi, giám sát. Người bị chó tấn công không đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vaccine phòng dại.
Liên quan đến công tác phòng, chống bệnh trên động vật, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đề nghị các ban ngành, địa phương, thành viên ban chỉ đạo chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, kiểm soát tốt lịch tiêm phòng; tăng cường công tác tuyên truyền về dịch bệnh trên động vật và tác hại của dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dại; tuyên truyền cho người dân về các biểu hiện dịch bệnh trên động vật để phát hiện kịp thời, báo cáo chính quyền địa phương khoanh vùng, kiểm soát ổ dịch; đôn đốc kiểm tra tình hình tiêm vaccine phòng bệnh.
“Đối với bệnh dại, các địa phương thống kê số lượng đàn chó, mèo; tuyên truyền cho người dân về các quy định nuôi chó, mèo; kiểm tra chặt chẽ, xử phạt nghiêm khắc các hộ dân không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo. Ngoài ra, các sở, ban, ngành địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ động vật, hàng hóa lưu thông, hàng hóa nhập từ nước ngoài về để kiểm soát dịch bệnh...”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình khuyến cáo, khi bị vật nuôi hay động vật hoang cào cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được sơ cứu, tư vấn. Một số trường hợp cần thiết sẽ tiêm dự phòng bệnh dại bằng huyết thanh và vaccine để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm. Đặc biệt, tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc nam tại nhà khi bị chó cắn, mèo cào.