Làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án
Ngoài các trường hợp giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần tương tự quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành (đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, AIDS), đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hiện đang trình 2 phương án:
Cụ thể, Phương án 1, người lao động được chia làm 2 nhóm. Trong đó, Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22.6.2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1.7.2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhóm 2, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Xã hội, trình bày dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia trong quá trình chỉnh lý, góp ý dự thảo Luật, đa số cho rằng Phương án 1 do Chính phủ trình có ưu điểm là cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội (không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội); đồng thời, hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về bảo hiểm xã hội và cũng hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thời gian qua.
Về lâu dài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, nếu quy định theo Phương án 1 sẽ góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy thông qua tham gia bảo hiểm xã hội và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này khi phải cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội. Ông cũng nêu rõ, điểm hạn chế của Phương án 1 là còn có thể có sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực.
Tuy nhiên, "dự thảo Luật được xây dựng theo hướng cải cách, mang tính cách mạng nhằm thể chế hóa toàn diện quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nên sẽ không thể tránh khỏi việc có sự khác nhau giữa các nhóm đối tượng trước cải cách và nhóm đối tượng sau cải cách", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.
Đối với Phương án 2, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, một số ý kiến đồng tình với lý do không tạo sự khác biệt lớn giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, với việc quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng sẽ tạo cho người lao động có tâm lý bị giảm, hạn chế quyền lợi, điều này có thể dẫn đến tình trạng gia tăng đột biến số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành và có thể dẫn đến phản ứng tập thể của người lao động. Phương án này cũng không giải quyết triệt để được việc rút bảo hiểm xã hội một lần, không giải quyết được thực trạng một người có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua…
Để hạn chế tốt nhất việc người lao động phải lựa chọn việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì dù lựa chọn phương án nào cũng đều phải có thêm các giải pháp khác để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Vì vậy, dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã yêu cầu Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục giải trình để làm rõ hơn ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án Chính phủ trình, nhất là dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và dự liệu khả năng phát sinh vấn đề về xã hội, kinh tế, phòng ngừa khả năng xảy ra các phản ứng tập thể từ phía người lao động. Đối với Phương án 1 (phương án Chính phủ lựa chọn) cũng cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm…
Bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn và ổn định xã hội
Tại Phiên họp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, hai năm gần đây, khi có thông tin sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, đã có trên 1 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Cụ thể, năm 2023 là trên 1,2 triệu người (trung bình mỗi tháng khoảng 100.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần); dự kiến năm 2024 có khoảng 1,45 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Đáng lưu ý, người lao động đang có tâm lý lo ngại, nếu áp dụng theo Phương án 2 như dự thảo Luật thì người lao động sẽ bị thiệt.
Trước thực tế trên, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị, cần sớm chốt phương án về bảo hiểm xã hội một lần, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.
Nêu quan điểm về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, mục tiêu của cơ quan soạn thảo đặt ra là “giữ chân” được người lao động, hạn chế tối đa việc rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng vẫn bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích của người lao động.
Qua việc tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành, nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, mỗi phương án đều có ưu, khuyết điểm, tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng Phương án 1 là phương án an toàn và phù hợp với tình hình hiện nay.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, hoàn thiện phương án quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần trên tinh thần bám sát Nghị quyết số 28 – NQ/TW về cải cách chính sách hiểm xã hội, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn và ổn định xã hội. "Phương án được lựa chọn phải có lý, có tình, được đông đảo người lao động hiểu, đồng thuận và ủng hộ", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh.