Đổi thay vùng đồng bào dân tộc
Hầu hết các tuyến đường đều được trải nhựa, bê tông, ánh điện chiếu sáng khắp nơi, phần lớn các hộ nghèo đã có nhà ở, tập trung tăng gia sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang cho biết: Trong thời gian qua, Hậu Giang đã triển khai, thực hiện công tác dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, đã có nhiều chương trình chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thực hiện như Chương trình 135; Quyết định 755/QĐ – TTg về hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định 12/2018/QĐ – TTg về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số…Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các chương trình dự án vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (giai đoạn 2015 – 2021) trên 105 tỷ đồng
“Cùng với đó Hậu Giang còn đầu tư hàng chục tỉ đồng để phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như cầu, đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa tại những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; đồng thời hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hàng trăm hộ dân tộc thiểu số; nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số” – ông Thanh nói.
Đi trên tuyến đường bê tông ấp 5, xã nông thôn mới Vị Thủy, huyện Vị Thủy phẳng lì, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi ở đây. Điều mọi người dễ nhận thấy nhất đó là không còn cảnh cây tạp, đường lầy lội mỗi khi trời mưa, cỏ dại um tùm như trước đây, mà hai bên đường là những vườn trầu xanh mướt, xen lẫn rau xanh, còn phía sau là ruộng lúa mênh mông. Từ khi xây dựng xã nông thôn mới, người dân được thụ hưởng nhiều hơn, từ việc đầu tư trạm bơm điện, đường giao thông nông thôn đến tập huấn khoa học kỹ thuật…Cùng với đó, thu nhập của các gia đình ngày càng nâng lên nhờ phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Anh Lâm Sal ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy bộc bạch: “Từ khi tuyến đường này được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, hàng hóa vận chuyển thông thương. Nhờ đó, đời sống của bà con ở đây không ngừng cải thiện, nhiều hộ đã sắm được xe mô tô”.
Nâng cao thu nhập, đời sống cho đồng bào DTTS
Thời gian qua, Hậu Giang đã và đang huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương trên các lĩnh vực đã từng bước mang lại những lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Đặc biệt, đã có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần thay đổi diện mạo vùng có đông đồng dân tộc.
Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang đánh giá: “Khoảng 5 năm trở lại đây, vùng đồng bào DTTS tỉnh Hậu Giang có nhiều thay đổi. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh cho bà con tiếp tục được đầu tư. Nhờ vận dụng tốt chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo đồng bào dân tộc Hậu Giang đã giảm đáng kể từ 32,15% vào cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 chỉ còn 16,01% (tổng số hộ đồng bào DTTS)”.
Thực hiện Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1%/năm, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 2%/năm; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 20 mô hình, dự án giảm nghèo tạo sinh kế; hỗ trợ 80% nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất cho người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên: Để đạt được những mục tiêu của Chương trình, tỉnh thực hiện 10 dự án thành phần, dự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 219,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sử dụng hiệu quả cho công tác giảm nghèo.
“Đến năm 2025, Hậu Giang phấn đấu 50% xã ra khỏi đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rãi nhựa hoặc bê tông; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; 90% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề...” – ông Tuyên nói.
Sự đổi thay vùng đồng bào dân tộc Khmer Hậu Giang hôm nay đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào. Đây cũng là động lực giúp đồng bào thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng phum, sóc thêm khởi sắc.