Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Bình Ngọc Nguyễn Thị Ánh Hồng, Đảng bộ, chính quyền xã luôn trăn trở, làm sao có được mô hình giúp chị em phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, tăng thu nhập, vừa tạo ra những sản phẩm hữu ích, đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng. Và nhất là nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc biến rác thải thành tài nguyên và chung tay bảo vệ môi trường sống.
Vào năm 2019 khi được cử tham dự Hội thảo “Hướng dẫn khởi nghiệp cho phụ nữ nghèo bằng các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thành các sản phẩm”, chị Hồng thấy mô hình này phù hợp với vùng trồng rau của xã. Nhưng để vận động chị em tham gia không phải là dễ dàng, vì mô hình này mới mẻ, sản phẩm làm ra chưa được nhiều người biết đến, khó tiếp cận với thị trường.
“Sau nhiều lần vận động, trực tiếp gặp gỡ chị em phụ nữ trong xã, nhất là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm để động viên, tuyên truyền, cuối cùng chị em cũng mạnh dạn tham gia. Với những kiến thức tiếp thu được tại hội thảo và qua nghiên cứu tìm tòi, học hỏi tôi đã mạnh dạn hướng dẫn chị em trong xã thực hành thí nghiệm. Sau khi thực hành thí nghiệm, thấy hiệu quả từ mô hình mang lại nhiều chị hăng hái tham gia và mô hình điểm “Giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp làm giàu từ rác thải hữu cơ” tại chi hội phụ nữ thôn Ngọc Phước 2 cũng được ra đời từ đó,” Chủ tịch Hồng chia sẻ.
Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, Hội LHPN xã đã tận tình giúp đỡ, chỉ dẫn cụ thể cho các chị tham gia, hướng dẫn từ khâu thu gom các loại rác thải hữu cơ như vỏ cam, chanh, bưởi, các loại vỏ củ quả... tại các điểm bán nước giải khát ở thành phố Tuy Hòa và ở các chợ, với số lượng 200-300 ký rác hữu cơ mỗi 1 ngày.
Sau đó hướng dẫn chị em thực hiện quy trình ủ các phế thải hữu cơ thành sản phẩm cho ra nước rửa chén sinh học. Cứ 3 ký vỏ trái cây, củ quả các loại ủ với 3 lạng đường và 10 lít nước trong vòng 30 ngày, sẽ cho ra thành phẩm 8 lít nước thô. Sau đó lắng 10 ngày và lọc ra thành 7 lít nước rửa chén sinh học.
Được biết, năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên triển khai mô hình điểm ra mắt CLB “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành chất tẩy rửa sinh học” của Hội LHPN xã Bình Ngọc. Sở cũng hỗ trợ kinh phí, máy móc, trang thiết bị, dụng cụ cho mô hình, đồng thời mô hình được Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật cho chị em phụ nữ tái chế rác thải hữu cơ thực vật thành nước rửa chén sinh học chất lượng, hiệu quả hơn.
Qua thời gian áp dụng kỹ thuật sản xuất chất lượng sản phẩm nâng lên, độ tẩy rửa dầu mỡ sạch hơn, sản phẩm có đã tạo bọt, mùi thơm dễ chịu, được người tiêu dùng yêu thích.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên, ĐBQH Lê Đào An Xuân cho biết, hiện sản phẩm được phân phối ở Siêu thị V’Mart, nhà hàng, khách sạn, đại lý, tạp hóa trên địa bàn tỉnh Phú Yên và các tỉnh trên toàn quốc. Đồng thời tham gia các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến thương mại của tỉnh nhằm giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tìm kiếm thị trường mở rộng hệ thống tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Tháng 8.2022 sản phẩm Nước rửa chén sinh học Bình Ngọc được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên , đạt hạng 3 Sao, theo chương trình mỗi xã một sản phẩm góp phần cho địa phương đạt tiêu chí 13 của Nông thôn mới.
Đặc biệt, hưởng ứng Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, hiện nay Dự án khởi nghiệp " Sản xuất và kinh doanh Nước rửa chén sinh học Bình Ngọc" phát triển từ mô hình “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học” đã lọt vào vòng chung kết.
Có thể nói, từ việc thực hiện mô hình này, đang dần hình thành thói quen phân loại rác trong cộng đồng của người dân địa phương và người dân mua bán trên địa bàn xã tại các chợ và điểm công cộng. Từ đó tạo ra một sản phẩm hữu ích giúp tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ nghèo thoát nghèo, hoàn cảnh khó khăn tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc biến rác thải thành tài nguyên và chung tay bảo vệ môi trường sống sạch hơn.
Hiện nay mô hình đã được nhân rộng hiệu quả tại Hội LHPN các xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa); xã Hòa An (huyện Phú Hòa) và Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân).