Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chủ trì hội nghị. Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
“Phải là cơ quan tham mưu tốt cho Đảng đoàn Quốc hội về công tác cán bộ”
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao tập thể lãnh đạo Ban Công tác đại biểu và cá nhân đồng chí Trưởng ban đã luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH nhiều nội dung có chất lượng.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cơ bản đồng tình với 9 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong báo cáo của Ban Công tác đại biểu. Đồng thời đề nghị, Ban cần cụ thể hóa các nhiệm vụ, đầu công việc, gắn với mốc thời gian, sản phẩm tham mưu; đặc biệt, luôn rà soát tiến độ, bám sát tiến độ để tham mưu. Kiên quyết không cho lùi, cho rút, để chậm bất kỳ nhiệm vụ nào nếu chưa được sự thống nhất của Lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH nếu không có lý do khách quan, chính đáng.
“Các đồng chí Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu cần chủ động, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ theo lĩnh vực phụ trách”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, Ban Công tác đại biểu tập trung hoàn thiện Đề án Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trình Đảng đoàn Quốc hội, Quy chế bồi dưỡng đại biểu Quốc hội và Đề án Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND các cấp, tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND các cấp.
Cùng với đó, Ban Công tác đại biểu cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và cán bộ thuộc quyền quản lý của UBTVQH.
"Muốn có cán bộ tốt thì phải quy hoạch. Có làm tốt công tác cán bộ mới giúp Quốc hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao”. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu, Ban Công tác đại biểu phải là cơ quan tham mưu tốt cho Đảng đoàn Quốc hội về công tác cán bộ. Ban Công tác đại biểu cần tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, bảo đảm chất lượng, đúng nội dung đại biểu cần; làm tốt công tác tham mưu, giúp việc cho UBTVQH về công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Cần chính sách đặc thù cho hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội
Trước đó, trong phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, với khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút, đặc điểm công tác có tính đặc thù, Ban Công tác đại biểu đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới trong công tác, có nhiều tiến bộ trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đạt được một số kết quả đáng trân trọng. Để đạt được thành quả này, Ban Công tác đại biểu đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát, đôn đốc thường xuyên của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; sự phối hợp tích cực, chặt chẽ, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Ban Công tác đại biểu nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, vẫn còn một số nhiệm vụ đang được tổ chức thực hiện nhưng chưa hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra; chưa dành đủ thời gian để tham gia ý kiến vào tất cả các nội dung được trình xin ý kiến tại phiên họp UBTVQH. Trong công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ban Công tác đại biểu gặp khó khăn trong vấn đề thu hút chuyên gia do kinh phí bồi dưỡng báo cáo viên các Hội nghị đại biểu Quốc hội theo quy định chưa tương xứng.
Nêu nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, do khối lượng công việc lớn, nguồn nhân lực thiếu, yêu cầu về chất lượng, tiến độ công việc ngày càng cao, nhiều việc đột xuất, mới, khó, lần đầu thực hiện, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng cần có thời gian để nghiên cứu, cũng có nhiệm vụ cơ bản hoàn thành nhưng cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông với văn bản khác liên quan nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ. Bên cạnh đó, hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội là hoạt động đặc thù nhưng chưa có chính sách đặc thù cho hoạt động này.
Ban Công tác đại biểu đề nghị, Quốc hội sớm rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo và khắc phục những vướng mắc từ thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của HĐND, bảo đảm hiệu lực của HĐND.
Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị, UBTVQH sớm xây dựng cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu QUốc hội và đại biểu Quốc hội với HĐND và đại biểu HĐND khi cùng thực hiện giám sát tại địa phương, nhất là đối với các vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc; có hướng dẫn cụ thể việc thẩm tra các dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND để áp dụng thống nhất trong cả nước; tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các cơ quan của Quốc hội đối với HĐND và các Ban của HĐND, nhất là trong hoạt động giám sát; sớm sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 759/NQ-UBTVQH về tiếp công dân; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cho phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; ban hành quy định khung về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp thống nhất trong toàn quốc.