Tham dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Chí Dũng cùng các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Làm rõ kết quả đạt được, vướng mắc và nguyên nhân, trách nhiệm
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đến thời điểm này, Đoàn giám sát đã làm việc, giám sát tại 8 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lai Châu, Đắk Nông, Bình Định, Bình Phước, Sóc Trăng. 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành đã có báo cáo gửi Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ: Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách; từng bước bảo đảm đủ kinh phí hoạt động chuyên môn cho các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập; hoàn thiện chính sách học phí.
Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục công lập và có cơ chế hỗ trợ để bảo đảm từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập theo luật định.
Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính phù hợp đối với các loại hình trường.
Phân định rõ ngân sách chi cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với ngân sách chi cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang.
Trên cơ sở Nghị quyết 88, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các Bộ thẳng thắn khẳng định nội dung nào thực hiện tốt, nội dung nào thực hiện chưa tốt; việc gì đã làm, đang làm, chưa làm. Có các đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành… để khắc phục được những hạn chế, khó khăn bảo đảm rõ nội dung, đúng thẩm quyền, trách nhiệm.
Trong quá trình thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu tập trung làm rõ kết quả đạt được, những vướng mắc và nguyên nhân, trách nhiệm; giải pháp, kiến nghị để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội trong giai đoạn tới.
Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục còn hạn chế
Báo cáo tại cuộc làm việc về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo Bộ cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2022, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đã phát huy vai trò hỗ trợ, tăng cường cơ sở vật chất nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục - đào tạo nói chung, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói riêng và đã đạt được một số kết quả cụ thể.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: nguồn vốn ngân sách Trung ương thời gian qua đã tập trung hỗ trợ các địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển giáo dục - đào tạo, đặc biệt là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu đầu tư để bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn rất lớn, đòi hỏi cần tiếp tục được quan tâm đầu tư trong thời gian tới, nhằm đáp ứng nhiệm vụ.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo có quy mô không lớn và chủ yếu tập trung ở khu vực các thành phố lớn.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đề đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, song nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường, lớp còn rất lớn, đặc biệt là ở những vùng khó khăn.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, Quốc hội cho phép Chính phủ nghiên cứu, đề xuất khuôn khổ, hình thức hỗ trợ có mục tiêu phù hợp, nhằm tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong đó, ưu tiên việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hoá trường, lớp học; xóa tình trạng phòng học tạm, phòng học xuống cấp tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.