Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong những năm qua, đơn vị đã tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm theo quy định của pháp luật đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý. Qua đó, trung bình hằng năm đã phát hiện và yêu cầu khắc phục, loại trừ hàng trăm nghìn tồn tại, thiếu sót, vi phạm có nguy cơ phát sinh cháy, nổ, sự cố, tai nạn; xử phạt hàng chục nghìn trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm nước ta xảy ra trên 4.000 vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn thuộc phạm vi trách nhiệm xử lý của lực lượng. Cụ thể, mỗi năm xảy ra khoảng 400 vụ cháy lớn và sự cố, tai nạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản (chiếm khoảng 1% tổng số vụ). Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã kịp thời, trực tiếp thực hiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trung bình khoảng 70% tổng số vụ.
Đối với các trường hợp xảy ra cháy lớn, diễn biến phức tạp, kéo dài, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã kịp thời huy động và đề xuất huy động tổng hợp lực lượng, phương tiện trong công an nhân dân và lực lượng, phương tiện của các ban, ngành có liên quan kịp thời tham gia xử lý.
Cơ bản tán thành với dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, đại diện đơn vị cũng cho biết, thực tế hiện nay và dự báo trường hợp xảy ra các thảm họa gần tới mức hoặc tới mức ban bố tình trạng khẩn cấp thì việc xử lý cần rất nhiều lực lượng, phương tiện của nhiều ngành tham gia.

Trong khi đó, việc bố trí lực lượng, phương tiện ở nhiều ngành còn đan xen, chồng chéo hoặc chưa đồng bộ dẫn đến đầu tư dàn trải, huấn luyện, diễn tập ứng phó chưa được tập trung, triển khai thường xuyên và bài bản. Việc xây dựng lực lượng bảo đảm tinh nhuệ để sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp còn rất nhiều hạn chế, bất cập.
Do vậy, đơn vị đề nghị cần nghiên cứu tính toán việc xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện và hoàn thiện cơ chế thống nhất chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện và đảm bảo điều kiện cho lực lượng, phương tiện hoạt động ứng phó các tình huống khẩn cấp nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời được thể chế hóa cụ thể trong Luật. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung nội dung nguyên tắc hoạt động trong tình trạng khẩn cấp: “Ưu tiên mọi nguồn lực cho lực lượng thi hành và triển khai thực hiện các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp”.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đề nghị đơn vị làm rõ hơn các nội dung như: ranh giới giữa việc thực hiện cấp độ 3 phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp đã rõ ràng chưa, có gì cần kiến nghị trong dự thảo Luật hay không? Việc xác định mức độ, ngưỡng để ban bố tình trạng khẩn cấp đã rõ ràng chưa? Cơ chế, chính sách thông tin và phối hợp huy động lực lượng, phương tiện tham gia xử lý; phân công, phân cấp chỉ đạo, chỉ huy xử lý đối với các tình huống cần thống nhất như thế nào trong dự thảo Luật?

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Hải Hưng đánh giá cao những kết quả thực hiện nhiệm vụ của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cho rằng, đơn vị luôn chủ động tạo được nguồn cán bộ nòng cốt được đào tạo, tập huấn bài bản kiến thức, kỹ năng trong việc tổ chức các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Để củng cố cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại ghi nhận các ý kiến, đề xuất của đơn vị để tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật trình Quốc hội.